Về tín ngưỡng Thành hoàng làng

Nguyễn Hữu Hiếu

Tạp chí Xưa&Nay, số 72A, tháng 2 năm 2000

Trên Tạp chí Xưa&Nay số 65 (tháng 7-1999) có đăng bài “Thành hoàng làng có từ bao giờ?” của tác giả Đặng Thế Đại. Cuối bài tác giả kết luận “ … sự xuất hiện thành hoàng chỉ bắt đầu sau thể kỷ XV như các tài liệu từ trước cho biết cũng là điều hợp lý”. Để góp phần vào việc tìm hiểu sự hình thành của tín ngưỡng thành hoàng làng, chúng tôi có suy nghĩ sau:

Cũng như nhiều dân tộc khác ở Đông Á, thời cổ đại ngoài tục thờ tổ vật (tô-tem), người Việt còn thờ nhiều thần, trong đó tín ngưỡng thờ thần Đá ra đời sớm và phổ biến hơn. Trong Việt Điệu U Linh Tập (VĐULT) có chép nhiều chuyện liên quan đến uy danh của thần Đá trong đời sống tâm linh của người Việt. Chuyện thần Bạch Hạc cho thấy, muốn làm phúc thần của vùng ngã ba sông Bạch Hạc, Thổ lệnh trưởng phải thi tài với Thạch Khanh, một thần Đá của nhân dân địa phương. Chuyện thần làng Phù Đổng còn gọi là chuyện ông Đống Hương Phù Đổng; theo tiếng Thái Tày, âm phù đổng xuất phát từ tiếng pù đổng có nghĩa là núi đá. Trong hội làng Nhồi (làng Hòa Đình, Tiên Sơn, Bắc Ninh) hàng năm từ ngày mùng 7 tháng giêng, còn diễn hoạt cảnh dân làng đi rước thần thành hoàng là Bà Đống ngụ tại một gò đất cao ngoài đồng được làng Đống Cao về làng mình v.v… Tín ngưỡng thờ thần đá nói chung để gọi các dạng thức tín ngưỡng cổ sơ, thờ cúng các đống đất đá, các ông Đống, bà Đống… của người Việt

Trong thời Bắc thuộc, với chính sách đồng hóa dân ta, ngoài biện pháp thống trị bằng quân sự, chánh trị, họ còn áp đặt lên tín ngưỡng, phong tục của người Việt một hệ thống thần linh của họ, nhằm lấn áp, khống chế thần linh bản xứ. Thế nên, ông thần Đất Đá của ta thường phải thua thiệt trước thần Thổ địa của họ; kết quả việc so tài giữa Thổ lệnh trưởng và Thạch Khanh là biểu hiện cụ thể của sự thua thiệt đó (VĐULT). Song, có nhiều trường hợp cá biệt: ở những vùng xa quyền uy kẻ thống trị hoặc khi thế lực của chúng suy yếu, thì các thần linh bản xứ nói chung, thần Đất Đá nói riêng có điều kiện phục hồi quyền năng của mình. Hơn nữa, dưới cái nhìn của kẻ thống trị, vị trí của thần Đất Đá trong đời sống tâm linh của người bản xứ có nhiều điểm tương đồng với vị trí của thần Thổ địa, nên họ thấy không cần phải hủy diệt ông thần bản xứ này. Trong chuyện thần sông Bạch Hạc còn cho thấy, Thạch Khanh vì thua tài Thổ lệnh trưởng, không được làm thần làng Bạch Hạc, nhưng cũng được làm thần làng Chi Cát, ngày đêm khói hương không dứt (VĐULT). Do đó, dưới thời Bắc thuộc, ở những vùng xa tầm khống chế của sự thống trị ngoại bang, thần linh bản xứ nói chung, thần Đất Đá nói riêng phát triển theo hướng riêng của dân tộc (người Việt), ít nhiều đã thoát ra ngoài tầm ảnh hưởng của cuộc đồng hóa. Cũng cần lưu ý, thời bây giờ ta chưa có văn tự riêng, phải dùng chữ Hán, nên tên gọi dân gian thần Đất, thần Đá, khi vào văn bản, sách vở trở thành thần Thổ địa, do đó, lẫn lộn giữa  ông thần bản xứ với ông thần ngoại nhập là điều không tranh khỏi.

Di tích lịch sử Quốc gia đền Đươi, xã Thống Nhất, tỉnh Hải Dương, nơi thờ Quốc mẫu Nguyên phi Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan

Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, dưới sự lãnh đạo của các anh hùng dân tộc, người Việt đã bao phen đứng lên giành độc lập. Những vị này và các tùy tướng của họ sau khi qua đời được nhân dân suy tôn làm thần, theo quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần”, và lập đền thờ ở các địa phương, nơi mà bọn thống trị ít để mắt tới, để tưởng nhớ công lao và kỳ vọng được phù trợ, bảo vệ… Đội ngũ nhân thần ngày một đông, từng bước thế chỗ thiên thần. Từ đó quan niệm mới về mối quan hệ giữa người và thần hình thành và phát triển. Trong tâm thức người Việt, thần không phải là một đối tượng gì xa lạ có khoảng cách lớn với người, mà chính là những người có công với làng với nước.

Trải đến hai triều đại ngắn ngủi Đinh là Tiền Lê, tín ngưỡng thần linh nói chung, thần thành hoàng nói riêng của người Việt vẫn mang tính dân gian là chủ yếu, người cầm đầu nhà nước chưa đủ điều kiện chính thống hóa mối quan hệ Vua – Thần. Song cũng có một vài dấu hiệu xuất hiện trước và sau thời điểm này. Trước hết là động thái của quan lại thống trị. Năm 822, quan đô hộ là Lý Nguyên Hỷ khi chọn một khu đất cao ráo ở ngoài cửa Bắc thành Long Biên để dời phủ ly (Đô hộ phủ), cho xây dựng đền thờ Tô Lịch, triệu kỳ lão hương thôn đến cúng tế, xin phụng thần Tô Lịch làm thần thành hoàng với ước vọng thần phù trợ, bảo vệ thành lũy mới của phủ lỵ. Tô Lịch nguyên là người làng Long Đỗ, gia tư không hào phú lắm, song việc tề gia lấy chữ hiếu làm trọng, suốt ba đời nổi tiếng. Tô Lịch đỗ hiếu liêm (dưới đời nhà Tống) và được cử làm quan lệnh trong vùng Gặp lúc mất mùa, Tô Lịch xuất kho nhà ra phát chẩn. Sau khi ông qua đời quan trên lấy tên Tô Lịch đặt tên làng, tên sông. Đến khi Cao Biền (đô hộ: 866-886) xây thành Đại La, được biết thần Tô Lịch với nhiều điều linh dị, nên đem lễ vật điện tế bái chức Đô Phủ Thành Hoàng thần quan (VĐULT). Năm 1005, sau khi lên ngôi, Lê Long Đĩnh[i] liền nâng cấp thực ấp của mình ở Đằng Châu lên thành Thái Bình phủ và phong cho thần thổ địa Đằng Châu làm Khai Thiên Thành Hoàng Đại Vương.

Dưới thời Nhà Lý (1010 – 1225), nước ta độc lập tự chủ, mặc dù Phật giáo được triều đình nhà Lý xem như quốc giáo, mang sắc thái một quốc gia riêng biệt, độc lập với Trung Quốc. Thời bấy giờ, nhà Tống suy yếu, họ mới đổi tên gọi nước ta từ An Nam phủ thành An Nam quốc và phong vua Lý Anh Tông làm An Nam Quốc Vương. Đây là lần đầu tiên, người phương Bắc mới công nhận Đại Việt là một quốc gia riêng, chớ không phải là phủ quận của họ như trước. Thực tế, không cần đợi người phương Bắc phong vương, Lý Công Uẩn đã lên ngôi hoàng đế ( Lý Thái Tổ) từ năm 1010, dời đô về Thăng Long, thiết chế triều nghi gần giống như hoàng đế Trung Quốc. Năm 1019, vua Lý Thái Tổ tế vọng các danh sơn; năm 1048, Lý Thái Tổng lập đàn Xã Tắc (thờ thần Đất, thần Lúa), năm 1154, Lý Anh Tông lập đàn Viên Khâu (thờ Trời, chứ chưa tế Trời).

Nhà Lý tập trung thế quyền lẫn thần quyền, chính thống hóa hệ thống thần linh, rõ nét nhất là hệ thống thần thành hoàng. Trước đây Cao Biền chỉ phong thần Tô Lịch làm Đô Phủ Thành Hoàng thần quân, nay được Lý Thái Tổ phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng đại vương (vị thần bảo vệ kinh thành Thăng Long của vua), vị trí cao nhất trong hệ thông thành hoàng. Các thần linh gồm thần Thổ Địa (nên hiểu là thần Đất Đá), phúc thần trước đây được thờ phụng ở các địa phương, được quy tập về Thăng Long, thể hiện quan niệm mỗi địa phương trong nước đều có thần đại diện ở kinh đô[ii]. Đây là lần đầu tiên, các phúc thần, thần thổ Địa (thần Đất, Đá) trong dân gian được triều đình biết đến. Những hình thức tự phong do dân làng và nho sĩ địa phương chủ xướng nhằm mục đích đề cao tinh thần làng của địa phương mình, nay được triều đình chính thống hóa theo quan điểm của Nho giáo “Thiên tử phong bách thần”.

Suốt thời nhà Trần (1225 – 1400) không có bổ sung nét gì mới cho hệ thống thần linh nói chung, ngoài những lần gia phong trong những năm 1285, 1288 và 1314. Đối với hệ thống thần thành hoàng, nhà Trần vẫn tôn trọng sắc phong của nhà Lý phong cho thần Tô Lịch. Còn thổ thần Đằng Châu đã được Lê Long Đĩnh (cũng có nơi chép là Lý Thái Tổ) phong làm Khai Thiên Thành Hoàng đại vương, vào năm Trùng Hưng nguyên niên lại được sắc phong Khai Thiên Trần Quốc Thành Hoàng đại vương, đến năm Trung Hưng IV được gia phong hai mỹ tự là Trung Phục và năm Hưng Long XXI lại được gia phong hai mỹ tự nữa là Tá Dực.

Như vậy, có thể nói tín ngưỡng thành hoàng ra đời trong tiến trình hình thành hệ thống thần linh của người Việt. Cho đến đời nhà Lý, tín ngưỡng thành hoàng làng người Việt đã hình thành những đường nét cơ bản, với cả một hệ thống thành hoàng – thổ địa được kết cấu bằng các yếu tố bản địa. Tín ngưỡng thành hoàng dù bị gò ép vào khuôn khổ của Nho giáo, song, do hình thành trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội đặc biệt (mười thế kỷ đấu tranh chống Bắc thuộc), nên nội dung của tín ngưỡng này có nhiều điểm khác với Trung Quốc. Cũng khởi thủy từ nhiên thần rồi dần dần được nhân hóa; nhưng trong khi ở Trung Quốc cứ mỗi lần lập cơ cấu hành chánh mới thì người ta xây đền thờ thần thành hoàng, có khi thần là người làm quan ở địa phương này trước đây; còn tín ngưỡng thần hoàng của người Việt được hình thành và phát triển trên cơ sở trân trọng, biết ơn tiền nhân, những người có công với làng, với nước, với dân trong việc chống giặc giữ nước, bảo vệ , giúp dân khi tai biến… song song với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Dù nằm trong cơ chế chính thống của nhà nước phong kiến (thành hoàng là quan chức của một hệ thống triều đình ở cõi thiêng), song tín ngưỡng này hình thành và thay đổi thích nghi với mọi thời kỳ lịch sử đã qua, là sản phẩm của cộng đồng xã thôn có sự tham gia tích cực của các nho sĩ, mang đậm bản sắc dân tộc. Nên nói: “…thần bảo hộ làng về mặt văn hóa đã bị Hoa hóa mang chức danh thành hoàng”[iii] là đúng, song chưa hẳn chứa được tính lịch sử của “mặt văn hóa” trong diễn trình hình thành tín ngưỡng thành hoàng làng của người Việt.

Từ sự hình thành tín ngưỡng thành hoàng vào thời nhà Lý (1010 – 1225) đến thời điểm định hình của ngôi đình làng người Việt, theo “lệnh” năm 1496 của vua Lê Thánh Tông còn là một khoảng cách lớn, song không thuộc phạm vi của bài viết này.


[i] Trong Lĩnh Nam chính quái, Thiên Nam vân lực liệt truyệnHưng Yên nhất thống chí thì việc nâng cáp thần thổ địa Đằng Châu lên làm thần thành hoàng của Thái Bình phủ là việc làm của Lý Công Uẩn.

[ii] Tạ Chí Đại Tường: Người.Thần và đất Việt.

[iii] Nguyễn Duy Hinh: Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam.

Bài liên quan

Bài đăng mới