Dẫn nhập
Ty Khí tượng Hoàng Sa được Chính phủ Liên bang Đông Dương cho khởi công xây dựng vào năm 1932 và chính thức hoạt động từ năm 1938, có tọa độ ứng với Latitude (Vĩ độ) 16033N và Longitude (Kinh độ) 111037E, nằm trên độ cao 5,5m so với mực nước biển và mang phiên hiệu quốc tế 048860; từng được Bộ Tài chánh(1) của Quốc gia Việt Nam duyệt y bản chiết trù để thực hiện công việc bảo trì và tu bổ đối với Tòa công thự chính trong năm 1955. Đặc biệt, trong năm 1956, cùng với sự khẩn trương chiếm đóng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thay thế quân đội thuộc Liên hiệp Pháp, việc duy trì và tăng cường hoạt động của Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa đã biểu thị ý chí kiên định về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam. Cho dù Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ đầu năm 1974, “Nhiều tài liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới đã công bố trạm Hoàng Sa (Pattle) thuộc Việt Nam”(2).
Về Ty Khí tượng Hoàng Sa năm 1956
Từ sau ngày ban hành Hiến pháp 26.10.1955, chính thể Việt Nam Cộng hòa vừa mới ra đời đã tiếp tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo lớn nhất thuộc lãnh thổ quốc gia Việt Nam, bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và quần đảo Trường Sa (Spratly Islands). Văn thư từ Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu phúc trình Tổng thống đề ngày 02.3.1956 cho biết hiện trạng ở hai đảo, trong đó Hoàng Sa được báo cáo và xin chỉ thị một cách cụ thể rằng:
“Theo thơ… mà Bộ Ngoại giao vừa nhận được của Cao ủy Pháp [sic], thì ở đảo Paracels có một phân đội bộ binh (section infanterie) dưới sự chỉ huy của một sĩ quan, đang đóng nơi đấy và ngoài ra, còn có một trạm vô tuyến điện nhắm hướng (poste de radiogoniométrie). Nhà cầm quyền Pháp sẵn sàng rút binh đi khỏi đảo Paracels nếu Chánh phủ ta dự định cho quân đội Việt Nam đến chiếm đóng đảo ấy, nhưng tạm thời xin được giữ trạm vô tuyến điện. Để thực hiện chủ quyền Việt Nam trên đảo Paracels và để việc khai thác phốt phát được dễ dàng, Bộ Ngoại giao thiết tưởng nên cho quân đội Việt Nam đến chiếm đóng đảo nầy [này]… kính xin Tổng thống ra chỉ thị cho Bộ Quốc phòng chuẩn bị việc chiếm đóng”(3).

Trong khi đó, ngay từ đầu tháng 01.1956, người đứng đầu Bộ Công chánh và Giao thông đã đề nghị Bộ Quốc phòng ra chỉ thị tổ chức cuộc hành trình đến Hoàng Sa để khảo sát địa thế và tiếp xúc các nhà chức trách tại chỗ nhằm thiết lập một trạm vô tuyến. Văn thư từ Bộ trưởng Công chánh và Giao thông Trần Văn Mẹo đề ngày 07.01.1956 với đề mục V/v [Về việc] dự định đặt một vô tuyến đăng tại đảo Paracels cho biết những lý do cần cấp của công tác nêu ra như sau:
“Trân trọng tin quý Bộ rõ, để cho sự bảo vệ nền không vận trong vùng đông – bắc lãnh thổ Việt Nam, một vô tuyến đăng sẽ được đặt tại đảo Paracels một ngày gần đây. Vì thế các chuyên viên của Nha Không vận cần phải đến đảo nói trên để xem địa thế và tiếp xúc với các nhà chức trách sở tại. Nhưng hiện nay, ngoài các chuyến tàu của thủy quân thì không có cách nào để sang đảo ấy được.
Vậy xin quý Bộ ra chỉ thị để một cuộc hành trình được tổ chức càng sớm càng hay vì chiếu theo các tài liệu của Nha Khí tượng thì các công tác dự định chỉ có thể thực hành nội trong 2 tháng 5 và 6 mà thôi. Hơn nữa những dụng cụ cần thiết để xây dựng vô tuyến đăng ấy sẽ tới nội trong tháng 2 Dương lịch nên vấn đề này cần phải được giải quyết sớm để tránh sự hư hỏng các dụng cụ đắt tiền kể trên và để mau giúp ích cho nền hàng không quốc tế hầu có tăng thêm uy tín của Chính phủ Quốc gia”(4).
Được biết, vào thời điểm trước khi quần đảo Hoàng Sa được Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiếp quản từ Liên hiệp Pháp, làm việc tại Ty Khí tượng nơi đây gồm có 5 nhân viên người Việt(5). Nhằm bảo đảm sự an toàn cho các nhân viên, Nha Khí tượng Việt Nam đặt điều kiện triệu hồi họ nếu không có lực lượng quân sự của Chính phủ bảo vệ kịp thời ngay vào lúc quân đội Pháp rút lui. Chắc chắn, đây là một áp lực bất khả kháng đối với Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đương thời bởi sự hối thúc chiếm đóng trong khuôn khổ thực thi chủ quyền về toàn vẹn lãnh thổ được xác lập từ Hiệp định Genève. Văn thư của Giám đốc Khí tượng Việt Nam Đỗ Đình Cường phúc trình Bộ trưởng Bộ Công chánh và Giao thông về vấn đề khí tượng tại diễn đàn Hội đồng bàn về Hoàng Sa ở dinh Tổng thống (Sài Gòn) vào sáng ngày 09.3.1956 cho biết tường tận một cách cấp thiết các khuyến nghị quốc tế cùng đòi hỏi quốc gia như dưới đây:
“Riêng về khí tượng, tôi xin trình về sự quan trọng của Ty Quan trắc hiện đặt tại đảo Pattle ([thuộc] quần đảo Hoàng Sa) trong công việc báo cáo thời tiết, nhất là bão tố, để bảo vệ hàng hải, hàng không. Bởi vị trí độc nhất ở giữa Nam Hải [Biển Đông], nên những quan trắc tại đó, hàng ngày đều được đặc biệt theo dõi bởi các tầu [tàu] biển và phi cơ, cùng các đài khí tượng ngoại quốc: Hương Cảng, Manille, Tân Gia Ba, Đông Kinh, v.v…
Tổ chức Khí tượng thế giới cũng đã đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động của Ty Khí tượng Pattle, bằng cách đặt thêm tại đó một Ty Trắc lượng không trung (Station de Radio sondage). Nhưng điều kiện tài chánh và kỹ thuật (xây thêm nhà, dụng cụ, nhân viên) chưa cho phép bản Nha hoàn thành việc đó. Hàng Không Dân sự Mỹ cũng trù tính đặt tại đảo đó một căn cứ vô tuyến điện để liên lạc với các phi cơ.

Nếu vì một lẽ gì, quân đội Pháp rút lui mà không được thay thế ngay bởi quân đội Việt Nam, sự an ninh của 5 nhân viên khí tượng hiện tòng sự tại đảo đó sẽ không còn nữa. Và để bảo toàn tính mệnh của họ, bản Nha sẽ buộc lòng phải rút lui họ tạm thời. Nếu trường hợp đó xẩy [xảy] ra thì thật là đáng tiếc, vì sự tổ chức và đặt Ty Khí tượng Hoàng Sa là một việc rất công phu phức tạp.
Cho nên, kính xin ông Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc cần thiết cho quân đội Việt Nam thay thế ngay quân đội Pháp khi họ rút lui”(6).
Tán đồng quan điểm của thuộc cấp, Bộ trưởng Công chánh và Giao thông Trần Văn Mẹo nhấn mạnh tầm quan trọng vấn đề duy trì sự hiện diện Ty Khí tượng Hoàng Sa cùng đội ngũ nhân viên cơ yếu, mà chỉ có thể thông qua một lực lượng quân sự chuyên trách mới thực thi nhiệm vụ chủ quyền một cách hữu hiệu. Trích đoạn từ văn thư của Bộ trưởng Trần Văn Mẹo đề đạt đến Bộ trưởng – Phụ tá Quốc phòng, đề ngày 13.3.1956 nói rõ rằng: “… Công việc đài quan trắc khí tượng Pattle do 5 nhân viên Nha Khí tượng phụ trách. Tôi trân trọng xin quý Bộ lưu ý đến vấn đề cho quân đội Cộng hòa thay thế quân đội Pháp khi họ rút lui và xin bảo vệ cho nhân viên Khí tượng… Vả lại cần phải thực hiện chủ quyền trên quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], không gì hơn là việc chiếm đóng quần đảo ấy”(7).
Cùng với việc đòi hỏi bảo vệ 5 nhân viên đã, đang tác vụ khí tượng tại hải đảo, Giám đốc Đỗ Đình Cường, thông qua sự xác nhận của Đổng lý Văn phòng Bộ Công chánh và Giao thông, còn yêu cầu Bộ Quốc phòng thông báo cụ thể về các chuyến tàu đến Hoàng Sa để Nha Khí tượng chủ động gởi hàng hóa tiếp tế và thiết bị kỹ thuật cho Ty Khí tượng. Tư văn từ Bộ trưởng – Phụ tá Quốc phòng Trần Trung Dung đề ngày 29.3.1956 có đề mục Bảo vệ Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa lưu ý rằng:
“Vào cuối tháng này, quân đội Pháp sẽ rút lui khỏi đảo Hoàng Sa và Ty Khí tượng tại đảo này cần được quân đội Việt Nam bảo vệ, mới có thể duy trì được.
Theo lời xin của Bộ Công chánh, yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu báo tin cho Nha Khí tượng biết trước một tuần, ngày các chuyến tàu khởi hành từ Saigon ra liên lạc với quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] để Nha này có đủ thì giờ cử nhân viên, sửa soạn thực phẩm và dụng cụ chuyên môn phải gửi hàng tháng ra đảo để tiếp tế cho Ty Khí tượng”(8).
Rốt cuộc, sự chiếm đóng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được thực hiện tại quần đảo Hoàng Sa bởi các đơn vị Thủy quân Lục chiến vào tháng 4.1956(9). Văn thư từ Bộ trưởng Công chánh và Giao thông chuyển đến Bộ trưởng – Phụ tá Quốc phòng đề ngày 14.6.1956 không chỉ xác nhận hiện trạng tiếp quản và thực thi chủ quyền lãnh thổ này mà còn tiếp tục khẳng định vai trò hiện hữu và hoạt động của Ty Khí tượng cùng đội ngũ nhân viên, theo như đề mục lưu ý V/v [Về việc] Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa:
“Trân trọng xin lưu ý ông Bộ trưởng đến 5 nhân viên Nha Khí tượng hiện đang phục vụ tại đảo Hoàng Sa (Ile Pattle). Đảo nầy [này] đã có quân đội Việt Nam chiếm. Vì ở cách trở xa xuôi [xa xôi], nên nhân viên Nha Khí tượng cần được sự giúp đỡ của bên Quân sự. Ty Khí tượng nầy rất cần thiết cho sự lưu thông về hàng không cũng như về hàng hải trong vùng Saigon – Hong-Kong – Tai-Peh – Tokyo – Manille.
Vì vậy tôi xin nhờ ông Bộ trưởng ra lệnh để cho trong mọi trường hợp, sự an ninh của các nhân viên đó được bảo vệ”(10).


Kết luận
Toàn bộ các văn bản hành chính liên quan đến Ty Khí tượng ở đảo Hoàng Sa (Ile Pattle) được trích đoạn và diễn giải trên đây đều do Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966) của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đương thời ban hành và thực thi mà hai hồ sơ số 11399 (Về việc khai thác nguồn lợi ở quần đảo Spratley (Trường Sa) và hiện tình đảo Paracels năm 1956 – 1959), 12330 (Về việc dự định đặt một vô tuyến đăng tại đảo Paracels (Tây Sa) và bảo vệ Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa năm 1955)(11) tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TTLTQG II) thể hiện, cho thấy giá trị to lớn về phương diện chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) nói riêng. Cùng với loạt tài liệu quý hiếm đã công bố trước nay, trong đó có hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955(12), hai hồ sơ lưu trữ này là minh chứng thuyết phục và sống động về sự liên tục quản lý và khai thác các thực thể lãnh thổ thuộc chủ quyền đất nước.
Đặc biệt, việc bảo vệ, duy trì hoạt động của Ty Khí tượng Hoàng Sa trong bối cảnh giao thời giữa hai thể chế chính trị Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa không chỉ thúc bách tiến trình thay thế và chiếm đóng của lực lượng quân đội Chính phủ mà còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín hàng hải – hàng không của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế bởi sự cung hiến về đặc thù địa lý và tri thức khoa học theo đó được tạo ra.
TP. HCM, cuối 10.2024
CHÚ THÍCH
1. Lối nói và viết Bộ Tài chánh hay Bộ Công chánh và Giao thông đều là văn phong thông dụng trong thường nhật và trên văn bản hành chính/hành chánh đương thời.
2. Nguyễn Ngọc Thụy, “Trạm Khí tượng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”, Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến.
https://vjol.info.vn/index.php/TCKHTV/article/download/71464/60639/, bản PDF.
3. Vũ Văn Mẫu, Bộ trưởng Ngoại giao kính gởi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, văn thư số 880/CT, ngày 02.3.1956; hồ sơ số 11399, phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966), TTLTQG II, TP. HCM.
4. Trần Văn Mẹo, V/v dự định đặt một vô tuyến đăng tại đảo Paracels, văn thư số 12-CC/M, ngày 02.3.1956; hồ sơ số 12330, phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966), TTLTQG II, TP. HCM.
5. 5 nhân viên khí tượng này có trong Bản Danh sách nhân viên Nha Khí tượng hiện tùng sự tại đảo Hoàng Sa, đính kèm theo Văn thư số 446-CC/M ngày 14.6.1956, bao gồm:
1. Phạm Đình Khánh – Chiêm sát viên hạng 4, Trưởng Ty Khí tượng.
2. Nguyễn Văn Nghề – Chiêm sát viên công nhật, vô tuyến điện viên.
3. Huynh Van Me [sic] – Chiêm sát viên hạng 4, vô tuyến điện viên.
4. Pham Hiep Hoa [sic] – Chiêm sát viên hạng 4, chiêm sát viên.
5. Nguyễn Hiền – Lao công.
6. Trần Văn Mẹo, V/v Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa, văn thư số 446-CC/M, ngày 02.3.1956; hồ sơ số 12330, phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966), TTLTQG II, TP. HCM.
7. Trần Văn Mẹo, Bộ trưởng Công chánh và Giao thông kính gởi Ông Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng, văn thư số 171-CC/M, ngày 13.3.1956; hồ sơ số 12330, phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966), TTLTQG II, TP. HCM.
8. Trần Trung Dung, Bảo vệ Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa, văn thư số 1101-VP/QP/BB/M, ngày 29.3.1956; hồ sơ số 12330, phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966), TTLTQG II, TP. HCM.
9. Ngày 01.10.1954, Quốc gia Việt Nam thành lập Lực lượng Bộ binh Hải quân; đến tháng 4.1956 Việt Nam Cộng hòa cải danh thành Thủy quân Lục chiến, trực thuộc Quân chủng Hải quân. Việc đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1959 được thay thế bởi các đơn vị Bảo an mà từ năm 1964 đổi gọi là Địa phương quân.
Dẫn theo: Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa, Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A7y_qu%C3%A2n_l%E1%BB%A5c_chi%E1%BA%BFn_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a, truy cập ngày 27.10.2024; Nguyễn Văn Giác, “Về việc thay thế lực lượng đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa năm 1959”, Tạp chí Xưa & Nay, số 558, tháng 12.2023, TP. HCM, tr.32-33, 37.
10. Trần Văn Mẹo, V/v Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa, văn thư số 446-CC/M, ngày 2.3.1956; hồ sơ số 12330, phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 – 1966), TTLTQG II, TP. HCM.
11. Mốc thời gian 1955 ghi trên bìa hồ sơ đã bị nhầm lẫn, bởi toàn bộ văn bản chứa đựng bên trong bao gồm 28 tờ đều thuộc niên đại 1956. 12. “Giới thiệu bộ hồ sơ ‘Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa’ vừa phát hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (81), 2010, tr.67-80; Bùi Ngọc Long, “Hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa”, báo Thanh Niên, https://thanhnien.vn/ho-so-ty-khi-tuong-dao-hoang-sa-185352414.htm, cập nhật ngày 1.9.2010.