Vì sao chính quyền Sài Gòn sụp đổ năm 1975?

Vũ Dương Ninh

Tạp chí Xưa&Nay, số 354, tháng 4 năm 2010

Vì sao chính quyền Sài Gòn sụp đổ năm 1975? Câu hỏi này không mới, có thể đã quá cũ khi mà trong suốt 35 năm qua, nhiều chính khách, học giả, nhà báo, nhà quân sự ở các bên đã phân tích và đưa ra lời giải đáp. Song về phương diện nghiên cứu, lịch sử càng lùi xa thì càng có thời gian thẩm định các ý kiến, các luận giải. Bài viết này muốn nêu đôi điều suy nghĩ từ góc độ chính trị của vấn đề khi nhìn lại thời khắc lịch sử đó.

Trước hết, phải nói đến quan điểm những người đã trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), nhất là trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ đó.

Trong bài phát biểu từ chức tổng thống ngày 22-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đổ lỗi cho sự bội ước của chính phủ Mỹ đã không thực hiện lời hứa khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. Hồi đó, Tổng thống Mỹ R. Nixơn đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi nhắc lại cam kết cá nhân của tôi với Ngài rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng rất mạnh và nhanh đối với bất kỳ sự vi phạm nào trong Hiệp định”[1]. Tuy vậy, Thiệu cũng đã thấy trước số phận bi thảm sẽ đến, liền than thở: “Hoa Kỳ thật sự bỏ rơi tôi – hoặc là ký Hiệp định, hoặc là sự cắt giảm viện trợ không còn chọn lựa nào khác”. Đến tháng 4 -1975, khi các đơn vị quân giải phóng đang tiến về Sài Gòn, Thiệu đã vội cử người sang cầu cứu quốc hội và chính phủ Mỹ. Nhưng vào lúc nguy cấp đó, Ủy ban quân sự Thượng viện Hoa Kỳ đã chính thức từ chối viện trợ cho quân sự cho Nam Việt Nam và Ủy ban đối ngoại chỉ đồng ý cho Tổng thống G. Ford sử dụng các lực lượng quân sự vào việc di tản người Mỹ khỏi Việt Nam. Nguyễn Tiến Hưng – đặc phái viên của Thiệu, được cử sang Washington cầu cứu đã chua chát than rằng, đó là “coup de grâce” của Mỹ bằng cách công khai từ chối lời cầu viện trợ của Tổng thống Thiệu.

Và cuối cùng, Thiệu kết thúc bài diễn văn từ chức của mình bằng lời oán hận: “Đây là một hành động vô nhân đạo của đồng minh vô nhân đạo”[2].

Trong chiến tranh, mối tương quan về lực lượng quân sự là nhân tố hết sức quan trọng tác động tới sự thắng thua trên chiến trường. Hơn thế nữa, sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế cũng là nhân tố không kém phần quan trọng trong việc đáp ứng những đòi hỏi của chiến tranh và giải quyết nhu cầu về đời sống của người dân. Thông thường, bên nào chiếm ưu thế về quân sự và có tiềm lực lớn về kinh tế thì nắm chắc phần thắng trong tay. Thế nhưng, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nước Mỹ vừa giàu về kinh tế, vừa mạnh về tiềm lực quân số nhưng đáp số của bài toán lại không đem lại thắng lợi cho họ. Cho nên phải đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam? Tại sao chính quyền Sài Gòn sụp đổ năm 1975? Từ những góc độ khác, mặc dầu việc Washington bỏ rơi Sài Gòn vào giờ phút “nước sôi lửa bỏng” đó cũng là một nguyên nhân có ý nghĩa.

Đã thành một nguyên lý kinh viện – Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương thức khác. Vậy xem xét về chiến tranh cần phải nhìn vào bản chất chính trị của mỗi bên tham chiến và do đó xác định đúng tính chất của nó. Về tính chất của chiến tranh Việt Nam, từ những góc độ khác nhau, xuất hiện hai cách nhìn nhận khác nhau: Hoặc là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hoặc là một cuộc nội chiến kéo dài giữa hai miền Nam Bắc? Sự khác biệt này dẫn đến cách đánh giá khác nhau về bản chất, động cơ và về những nhân tố đem lại kết quả cuối cùng của cuộc chiến.

Cần nhắc lại rằng, chiến tranh Việt Nam (1945-1975) diễn ra trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp của trật tự thế giới hai cực. Mỗi sự kiện ở một địa điểm nào trên thế giới đều chịu sự tác động của hai cực và đồng thời nó lại có ảnh hưởng đến hai cực. Chiến tranh Việt Nam không nằm ngoài quy luật chung đó và hơn thế nữa, nó có ảnh hưởng qua lại hết sức mạnh mẽ và sâu sắc đến trật tự quốc tế này. Do vậy cần nhìn nhận chiến tranh cả từ hai phía: Từ bản thân cuộc chiến và từ tác động của các cường quốc thuộc hai phe. Hai nhân tố này không tách rời nhau mà kết gắn với nhau, chi phối lẫn nhau.

Chỉ hai tuần sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (02-9-1945), thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương. Nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược, đến ngày 19-12-1946, ngọn lửa chiến tranh lan ra toàn quốc. Mục đích của cuộc kháng chiến là chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Như vậy, trước Cách mạng tháng Tám, cuộc đấu tranh của nhân dân ta là giành độc lập, giành quyền làm chủ thì sau đó là cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền – những quyền dân tộc thiêng liêng mới giành được. Đó là hai giai đoạn liên tục của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhằm khẳng định nền độc lập và quyền tự chủ của nhân dân Việt Nam. Sau 9 năm kháng chiến, các cường quốc đã chính thức ghi nhận trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève: “Trong quan hệ với Cao Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị của những nước đó[3]. Theo nội dung Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 17, “giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ”[4].

Nhưng ngay sau đó, Mỹ đã thay chân Pháp trực tiếp dính líu vào công việc miền Nam Việt Nam, từ chỗ đưa cố vấn đến việc điều lực lượng quân sự với những đội quân được trang bị hiện đại và các phương tiện chiến tranh tối tân. Chế độ Sài Gòn từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu đều đưa ra khẩu hiệu chống Cộng làm mục tiêu đấu tranh của mình. Điều đó có nghĩa là họ muốn tiến hành một cuộc nội chiến nhằm xóa bỏ chế độ XHCN miền Bắc.

Nhưng trên thực tế chiến trường, nhân dân miền Nam phải chống lại quân lính Mỹ. Và từ tháng 8-1964, nhân dân miền Bắc phải chống trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân do máy bay Mỹ tiến hành. Như vậy là trên phạm vi cả nước, chiến tranh đã lan rộng mà kẻ trực tiếp tham gia, trang bị vũ khí và sử dụng các phương tiện chiến tranh để chống lại Việt Nam chính là đế quốc Mỹ. Điều đó có nghĩa là nhân dân Việt Nam, dù ở miền Nam hay miền Bắc đều tiến hành cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù chính là đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai là chính quyền và quân đội Sài Gòn. Do vậy, mục tiêu và tính chất của cuộc chiến tranh này là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ – kẻ thù từ bên ngoài xâm lược Việt Nam – nhằm bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước, là sự tiếp tục của tiến trình giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Ai là kẻ xâm lược, ai là kẻ bị xâm lược? Ở miền Nam bây giờ vì sao có đánh nhau? Kẻ bị xâm lược đánh nhau với kẻ đi xâm lược. Muốn có hòa bình, kẻ xâm lược phải cút đi. Thế thôi. Rất rõ ràng, dễ hiểu”[5]. Đây là lập trường kiên định của Việt Nam xuyên suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nó khẳng định rằng kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là những thế lực ngoại xâm mà cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là nhằm chống lại những kẻ thù xâm lược đó.

Trở lại khẩu hiệu qua 30 năm chiến đấu có thể thấy rõ quan điểm này. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, mục tiêu chính là “đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai”. Từ năm 1950, khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh Việt Nam thì đối tượng đấu tranh là chống “thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ và bè lũ tay sai”. Từ Hội nghị Genève, Đảng đã chỉ ra đế quốc Mỹ là kẻ thù số một và khẩu hiệu đấu tranh của nhân dân ta là “chống Mỹ, cứu nước”, “chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai”. Xem vậy thì thấy rằng mũi nhọn đấu tranh của nhân dân ta trước sau đều nhằm đối tượng từ bên ngoài đến xâm lược nước ta, còn các chính phủ từ Bảo Đại đến Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu chỉ là những bộ phận sống bám vào túi tiền và vũ khí của chủ nghĩa đế quốc, không đại diện cho lợi ích tối cao của toàn dân tộc.

Với mục tiêu hàng đầu chống sự xâm lược của kẻ thù bên ngoài. Việt Nam trở thành ngọn cờ của phong trào giải phóng dân tộc, biểu tượng của tinh thần đấu tranh vì độc lập, vì tự do. Do vậy nhân dân Việt Nam được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ. Lịch sử thế giới đã ghi nhận phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam lan ra khắp các châu lục, tràn ngập khắp các quốc gia. Từ những nước đang tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở châu Á, Phi, Mỹ la tinh cho đến các nước XHCN và các nước tư bản phát triển (Nhật, Pháp, Tây Đức, Úc, Thụy Điển cùng nhiều nước Bắc Âu khác), đâu đâu cũng có những cuộc biểu tình rầm rộ đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam – một dân tộc bị xâm lược quyết bảo vệ non sông gấm vóc của mình, một nước nhỏ dám chống lại một cường quốc hàng đầu – có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm thế giới. Có thể thấy hình ảnh phản diện chính là khẩu hiệu chống Cộng, chống “miền Bắc xâm lược” của Mỹ và chế độ Sài Gòn, ngoài sự đồng tình của chính phủ các nước đồng minh của Mỹ thì đâu có được những phong trào quần chúng ủng hộ rầm rộ, mạnh mẽ, lan rộng và kéo dài đến như vậy.

Đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Đứng về phía bên kia, tiếp tay cho chính phủ VNCH là Mỹ và các nước tư bản chủ nghĩa. Như vậy, trên đất nước Việt Nam cũng xuất hiện trạng thái đối đầu giữa hai cực mà những người đại diện là chính phủ Hà Nội và chính quyền Sài Gòn. Do đó, chiến tranh Việt Nam, bên mặt cơ bản là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì đồng thời cũng phản ảnh cuộc đối đầu giữa hai phe, hai ý thức hệ, nghĩa là trên một mức độ nào đó, nó cũng mang tính chất cuộc nội chiến giữa hai chế độ chính trị. Những sẽ là không chính xác khi đơn giản nói rằng đó là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc, bởi vì ngay ở miền Nam, kể cả trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát, cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm – Nhu trước đây và chế độ Nguyễn Văn Thiệu sau này vẫn diễn ra quyết liệt. Nhân dân miền Nam không chấp nhận chế độ phản dân hại nước đó, mặc dầu có những người chưa hẳn đã đồng tình với CNXH. Do vậy, tính chất nội chiến không phải là mặt cơ bản của cuộc chiến tranh mà chỉ là một khía cạnh trong bản chất của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược từ bên ngoài. Ngay cả sau khi quân lính Mỹ rút khỏi Việt Nam theo các điều khoản của Hiệp định Paris, khi cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn mang màu sắc của nội chiến, thì về bản chất, nó vẫn là sự tiếp tục, là giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ lập luận trên, có thể thấy rằng tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất đem lại thắng lợi cho nhân dân Việt Nam. Và tính chất phi nghĩa, bám vào kẻ xâm lược là nguồn gốc thất bại của chính quyền Sài Gòn.

Nhưng thực tiễn lịch sử cho thấy không phải bao giờ chính nghĩa cũng tất thắng, phi nghĩa cũng tất bại mà còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác nữa. Lịch sử nước ta nửa sau thế kỷ XIX đã minh chứng điều đó. Các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược nói lên tinh thần yêu nước, ý chí quật khởi của nhân dân Việt Nam, thể hiện tính chính nghĩa của một dân tộc kiên cường. Nhưng cuối cùng, đất nước rơi vào cảnh nô lệ lầm than mà một trong những nguyên nhân chính là sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn. Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các vua Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại là hình ảnh của sự đầu hàng, nhu nhược và hèn yếu. Trách nhiệm để mất nước là không thể chối bỏ, không nên bào chữa! Nhưng một số vua nhà Nguyễn như Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân là những tấm gương sáng của tinh thần yêu nước, thương dân. Do vậy, nên phân định rạch ròi, không thể nói nhà Nguyễn chung chung được.

 Nhắc lại chuyện xưa là để nhấn mạnh một nhân tố cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh, đó chính là sự gắn kết đồng lòng giữa lực lượng lãnh đạo và quần chúng nhân dân. Từng thành tố trong hai vế này đều quan trọng, song chỉ có sự gắn kết chặt chẽ giữa hai thành tố đó mới tạo nên sức mạnh, mới nhân lên gấp bội tiềm năng dân tộc. Sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam chính là ở điểm này. Và đó là cội nguồn lập nên chiến công, tạo nên thắng lợi.

Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, tương quan lực lượng giữa ta và địch thật là chênh lệch – gậy tầm vông, dao mã tấu chống chọi với đại bác, xe tăng, khác nào “châu chấu đá voi”. Nhưng vào những ngày đầy thách thức đó, niềm tin của nhân dân vào cách mạng, vào chính phủ Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là lòng kính yêu và tin cậy tuyệt đối vào Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên khối đoàn kết dân tộc, ai ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Chính phủ, tuân thủ tự giác lời nói của Hồ Chủ tịch. Điều đó cho thấy, niềm tin là một yếu tố tinh thần nhưng khi niềm tin được xác lập trong trái tim và khối óc quần chúng thì nó sẽ tạo nên sức mạnh vật chất để chống quân thù. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ và Chính phủ đã tạo nên sức mạnh diệu kỳ đó. Và những nhà lãnh đạo đất nước, bằng đạo đức và tài trí của mình cũng đã đáp lại xứng đáng niềm tin sâu sắc của quần chúng nhân dân.

Đây chính là điểm yếu cơ bản của chế độ Sài Gòn. Chính quyền được thực đân Pháp dựng lên thực sự là một chính phủ bù nhìn, do Bảo Đại “vị hoàng đế tay chơi” (the Emperor playboy) theo cách gọi của người Mỹ – cầm đầu.

Khi vào thế chân Pháp, Mỹ liền đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng rồi Tổng thống với khẩu hiệu “cần lao nhân vị”. Nhưng những vụ tàn sát đẫm máu người kháng chiến cũ, những cuộc đàn áp giáo phái kéo dài, biện pháp cai trị độc tài của gia đình họ Ngô,… làm cho các tầng lớp nhân dân oán ghét, xã hội miền Nam không ổn định. Và cuối cùng, thấy rõ con bài đã hết tác dụng, Mỹ liền thay ngựa giữa dòng, anh em Diệm – Nhu bị sát hại.

Sau nhiều tháng lộn xộn tranh quyền giữa các tướng lĩnh. Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ ủng hộ đưa lên ngôi vị Tổng thống. Thiệu lập tức mở rộng cửa để đón nhận số quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam ngày càng tăng. Nếu thời Diệm mới chỉ có 16.300 lên 23.300 cố vấn quân sự thì đến thời Thiệu từ tháng 7-1965 đến tháng 4-1969, số lính Mỹ tăng từ 81.000 lên 543.400 quân[6]. Việc đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến đã gây nên bao tội ác, điển hình là vụ thảm sát Mỹ Lai (18-3-1968) mà không một ai có lương tri có thể tha thứ. Tình trạng mâu thuẫn giữa các bè phái là một căn bệnh kinh niên làm cho quần chúng chán ghét bộ máy cầm quyền. Người Mỹ nhận xét: “Tình trạng chia rẽ vẫn như một bệnh dịch và nhiều cuộc kình địch diễn ra trên khắp mọi lĩnh vực như chính trị, quân đội và trong các tổ chức tôn giáo,…”. Và do đó, “người Nam Việt Nam dường như ngày càng giống những người biết là mình đang chịu một căn bệnh vô phương cứu chữa”[7]. Hơn thế nữa, nạn tham ô, nhũng nhiễu tràn lan, các quan chức cắt xén tiền viện trợ, các tướng lĩnh sử dụng quân đội dưới quyền để bảo vệ các phi vụ buôn lậu, nhiều tập đoàn kinh tế gắn liền với quyền lực chính trị để chi phối thị trường và xã hội. Trong chính phủ của Thiệu, “các bộ có liên quan đến đồng tiền chủ yếu là một trung tâm ban ơn và một ổ tham nhũng mà Thiệu tự tay chọn lấy những người phụ trách”[8].

Phân tích sâu sắc tình trạng thối nát của bộ máy chính quyền Sài Gòn, nhà sử học G. Kolko nhận xét: “Nguy hiểm nhất cho sự nghiệp của Mỹ là tham nhũng, cướp bóc và làm cho nhân dân khánh kiệt. Chính sách này tai hại đến mức, ngay trước khi viện trợ quân sự và kinh tế bị cắt cuối năm 1974 và VNCH đã bắt đầu sụp đổ rồi”[9]. Điều đó cho thấy sự chán ghét của quần chúng đối với tập đoàn cầm quyền ở Sài Gòn là một nguyên nhân không kém phần quyết định khiến cho khi bước vào thời đoạn chiến tranh quyết liệt, chế độ rơi vào khủng hoảng sâu sắc thì sự sụp đổ là điều không thể khác được.

Các tướng lĩnh quân đội nhân dân và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh đã phân tích sâu sắc về mặt quân sự, về chiến lược và chiến thuật, về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến tạo nên những đòn giáng quyết định kết thúc chế độ Sài Gòn vào trưa ngày 30-4-1975.

Trong khuôn khổ của bài viết này, xem xét từ góc độ chính trị, có thể thấy rằng việc Mỹ bỏ rơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chỉ là một nguyên cớ trực tiếp. Căn nguyên sâu xa của sự sụp đổ chế độ Sài Gòn bắt nguồn từ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do họ tiến hành, từ việc mở cửa đón nhận nửa triệu quân lính Mỹ vào tàn sát đồng bào, giày xéo đất nước và từ sự thối nát của bộ máy cai trị, không thu phục được nhân tâm, gây nên sự chán ghét và lòng oán hận trong xã hội. Tổng quát lại chính là những người cầm quyền ở Sài Gòn khi đó đã xa rời, thậm chí đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Ngọn cờ dân tộc nằm trong tay những người cách mạng và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính sức mạnh dân tộc là vô địch, là cội nguồn của chiến thắng. Đi tìm nguyên nhân thất bại của “Tấn thảm kịch Việt Nam”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara nhận ra rằng: “Chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng (đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Ông ta tự chỉ trích: “Những đánh giá sai lầm của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng; về nhân cách, thói quen của các nhà lãnh đạo”[10]. Có thể nói sự đánh giá của McNamara – một trong những nhà thiết kế và chỉ đạo cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam – có phần thích đáng.

Vào giờ phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Henry Kissinger – một trong số các tác giả quan trọng của tấn bi kịch Hoa Kỳ – đã than thở: “Trong cái ngày mà chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi nóc nhà đại sứ quán (Mỹ), chỉ có một cảm giác trống rỗng là còn lại. Những người trong số chúng tôi đã chiến đấu trong những trận chiến để tránh thảm họa, cuối cùng lại đang ở quá gần tấn bi kịch kiểm điểm lại lịch sử 20 năm dính líu của Mỹ. Và lúc này đã quá trễ để có thể thay đổi tiến trình các sự kiện”[11].


[1] J.L.Schecter, Nguyễn Tiến Hưng, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, T.1, Nxb Trẻ, 1996, tr.229. (J.L.Schecter: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Nguyễn Tiến Hưng: năm 1973 là Phụ tá đặc biệt của Tổng thống, sau là Tổng trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Kế hoạch trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu).

[2] J.L.Schecter, Nguyễn Tiến Hưng, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, T.2, Nxb Trẻ, 1996, tr.330.

[3] Bộ Ngoại giao, Hiệp định Genève – 50 năm nhìn lại, Nxb CTQG, H, 2008, tr.315;314.

[4] Bộ Ngoại giao, Hiệp định Genève – 50 năm nhìn lại, Nxb CTQG, H, 2008, tr.315;314.

[5] Hồ Chí Minh, “Bài nói tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, Xem Văn kiện Đảng toàn tập, T.27, Nxb CTQG, H, 2008, tr.7.

[6] Robert S.Mc Namara, Nhìn lại quá khứ – Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1995, tr.315.

[7] George C Hering, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb CTQG, H, 1998, tr.21-22, 275.

[8] Gabriel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, tr.183, 156.

[9] Gabriel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, tr.183, 156.

[10] Robert S.Mc Namara, Nhìn lại quá khứ – Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Sđd, tr.316.

[11] Henry Kissinger, Kết thúc chiến tranh Việt Nam, T.2. Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, H, 2007, tr.357.

Bài liên quan

Bài đăng mới