Vị trí của phủ chúa Trịnh trong bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX

Bùi Thiết

Tạp chí Xưa&Nay, số 361, tháng 8 năm 2010

Tạp chí Xưa&Nay số 103 (tháng 11-2003) và tạp chí Thế giới mới số 470 (ngày 7-1-2002), đã giới thiệu Bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, với nguyên bản có tên Pháp ngữ là: Hanoi debut du XIXe siècle, vốn là tài sản của Thư viện Quốc gia Paris, kí hiệu GCA.395. Bản đồ này không có bất kì một chú thích chữ cho ngôn ngữ bản đồ và cũng chẳng có bất cứ một lạc khoản nào để xác định niên đại, người biên vẽ và những thông tin liên quan về bản đồ học để khẳng định giá trị của bản đồ.

Bản đồ Thăng Long theo Hồng Đức địa dư. Nguồn: Sưu tầm

Sau khi người ta công bố bản đồ này, tôi đã có bài viết phủ định niên đại đầu thế kỷ XIX của Bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, và đăng lại trong: Đối thoại Thăng Long – Hà Nội (Văn hóa – Thông tin, H, 2009, tr.110 – 114), với đầu đề: Về tấm bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX.

Bài viết của Trịnh Quang Dũng Tìm lại diện mạo Đông Kinh – Kẻ Chợ xưa qua tấm bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX cho thấy trước khi phân tích, người viết thiếu hoàn toàn công tác văn bản – bản đồ học, có nghĩa là sự thật giả của bản đồ ra sao người viết không hề biết. Đã không biết rõ ngọn nguồn chân giả của bản đồ, thì mọi sự miêu tả của người viết chỉ là những lời tán vô bổ, và rất có hại cho nhận thức lịch sử, bạn đọc hoàn toàn bị người viết đưa vào một ma trận lịch sử mà đến cả người viết cũng chẳng nắm được gì. Trên một tấm bản đồ mù mờ như vậy mà người ta có thể tán đủ điều, thì hẳn có khác gì một cuộc diễn xiếc lịch sử.

Phủ chúa Đàng Ngoài (chúa Trịnh). Nguồn: Sưu tầm

Trong bài viết của tôi trước đây, tôi đã phản bác niên đại đầu thế kỷ XIX với một số chứng cứ, như: con đường chạy giữa hồ Ba Mẫu (hồ Kim Liên) và hồ Bảy Mẫu (hồ Công viên Thống Nhất) chưa có từ đầu thế kỷ XIX, mà chỉ có từ sau khi người Pháp mở quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt, tức là đoạn phố Lê Duẩn từ bến xe Kim Liên cũ đến giáp đường Giải Phóng hiện nay, mà con đường Thiên Lý, từ Hà Nội vào Huế đầu thế kỷ XIX là từ khoảng Ngõ Trạm, chếch sang đông đến Hàng Bài – Phố Huế – Bạch Mai – Trương Định đến ngã ba Giáp Bát – Giải Phóng, chưa hề có con đường qua ô Kim Liên thẳng vào ga Hà Nội như bản đồ thể hiện. Hoặc tháp ở phía nam hồ Hoàn Kiếm được thể hiện trên bản đồ là Tháp Rùa xây vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XIX chỉ là phế tích của đình Tả Vọng, nơi các Chúa Trịnh sai xây cất để làm nơi duyệt thủy quân tập trận ở hồ Tả Vọng, đình Tả Vọng bị phá vào cuối thế kỷ XVIII.

Trên Bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, có hai chú thích được đánh số 1 – Vương phủ Trịnh số 3 – Tràng Thi. Xét thấy cần phải xác định cho rõ để nhận thức đúng vị trí nam – bắc của hai địa danh này.

Vương phủ Trịnh. Cũng gọi là phủ CHÚA Trịnh, hay là Phủ Chúa hay Vương phủ. Vương phủ có nguồn gốc từ cuối thế kỷ XVI, khi Trịnh Tùng (? – 1623) lấy lại Thăng Long từ nhà Mạc năm 1592, và dần dần trở thành một trung tâm quyền lực lớn, lấn át cả cung điện của vương triều Lê ở Hoàng thành Thăng Long. Vương phủ nằm về phía đông – nam Hoàng thành; các bản đồ Thăng Long thời Lê ghi rất rõ vị trí của Vương phủ. Theo đó thì Vương phủ nằm về phía nam của khu vực tháp Báo Thiên, mà khu vực tháp Báo Thiên, lấy Nhà Thờ Lớn Hà Nội làm trung tâm, lùi về phía nam đến khoảng ngã tư Tràng Thi – Quang Trung hiện nay; so với hồ Tả Vọng – tạm gọi là hồ Hoàn Kiếm hiện tại, Vương phủ lùi chếch về góc tây – nam, và có thể chỉ định Vương phủ nằm vào khu vực phố Hai Bà Trưng là mặt bắc, lùi về Lý Thường Kiệt – Trần Hưng Đạo đến quá dốc Hàng Kèn cũ (phố Bà Triệu – Hàm Long – Ngô Văn Sở hiện tại) là mặt nam; mặt đông là Bà Triệu và quá về phía tây Quang Trung đến Hỏa Lò là mặt tây.

Tràng Thi. Bây giờ là phố Tràng Thi, vốn là con phố mới mở, chạy qua mặt phía bắc Tràng Thi Hương cũ. Tràng Thi Hương Hà Nội cũ hình thành vào đời vua Minh Mạng (1820 – 1840) là nơi tổ chức các kỳ thi Hương cho thí sinh Bắc Hà, cũng gọi là Tràng Hà. Tràng Hà bị bãi bỏ nhân sự kiện xảy ra năm 1879, rồi thí sinh Hà Nội phải về thi ở Nam Định. Tràng Thi có diện tích 150 x 200m từ khu vực Thư viện Quốc gia về phố Dã Tượng hiện tại. Sau khi giải thể Tràng Thi, thực dân Pháp cho đồn trú quân tại đây, và khi mở phố hình thành một số công sở như chúng ta thấy.

Theo đó, chúng ta thấy Vương phủ nằm về phía đông – nam của Tràng Thi, hay chính xác hơn thì Vương phủ nằm về phía đông của phố Quang Trung và lùi về nam, còn Tràng Thi nằm về phía tây của phố này. Nhìn lên hiện trường thì Tràng Thi nằm về tây – bắc, Vương phủ nằm về đông – nam.

Vậy mà trong Bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, vì không xác định được tọa độ của 2 vùng địa danh này, nên người ta đánh dấu chỉ định số 1 – Vương phủ Trịnh ở về phía tây – nam của Tràng Thi, mà còn vươn lên phía bắc, choán lấy một phần khu tháp Báo Thiên cũ. Thực ra những người vẽ Bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, đưa vào bản đồ những kí hiệu – ngôn ngữ không chính xác, họ chẳng chỉ định đích danh các kí hiệu – ngôn ngữ bản đồ đó là gì. Người chú thích đánh số kí hiệu trên bản đồ từ số 1 đến 20, đã không nghiên cứu kĩ cấu trúc địa hình Thăng Long trước thế kỉ  XIX, nên đã có những sai sót nghiêm trọng như các chú thích 1 và 3 đã trình bày ở trên.

Sơ qua một vài kí hiệu có trên bản đồ, bước đầu cho phép chúng tôi khẳng định rằng, đây không phải là bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, mà là bản đồ phản ảnh Hà Nội cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Chúng ta cần phải nghiên cứu tiếp về tấm bản đồ này ở nhiều nội dung khác, nhằm phân biệt sự thật giả của nó.

Công tác văn bản – bản đồ học đã khó, vì quá khó nên có hiện tượng lâu nay người ta chỉ sử dụng bản đồ mà không hề làm văn bản học bao giờ; lại việc đọc bản đồ càng khó hơn nên nhiều người không chịu khó đọc và không thể đọc được nên càng phán sai như đối với Bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX này.

Bài liên quan

Bài đăng mới