Vua Quang Trung đã thụ sắc phong của nhà Thanh như thế nào?

Trần Hành

Tạp chí Xưa&Nay, số 349+350, tháng 2 năm 2010

Đầu xuân Kỷ Dậu (1789), đất nước ta bừng lên một niềm vui chiến thắng lớn: Quét sạch 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, xuân đất trời, xuân lòng người, “đầy thành già trẻ, mặt như hoa”. Để duy trì một cuộc sống lâu dài cho nhân dân, Quang Trung Nguyễn Huệ với tầm nhìn sâu rộng đã thực hiện một đường lối ngoại giao tích cực, mềm dẻo, uyển chuyển “ngọc bạch đại can qua” (ngọc lụa thay cho giáo mộc).

Tháng ba năm này, đoàn sứ bộ Việt Nam gồm: Nguyễn Quang Hiển (cháu Quang Trung) và các quan Võ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Nguyễn Đinh Cử lên đường sang Yên Kinh đem theo các đồ cống phẩm vào chầu Càn Long và dâng biểu xin phong vương. Thế là chỉ mấy tháng sau, trấn mục tỉnh Lạng Sơn nhận được thông báo của quan hộ đạo Tả Giang tỉnh Quảng Tây họ Lâm cho biết “đại hoàng đế” đã có chỉ dụ phong cho Quang Trung làm vua nước ta và phái hai đại viên là chức quan hậu bổ tên là Đạo Thành và Tả – đường phủ Nam Ninh là họ Vương mang đạo sắc và bài thơ ngự chế do chính tay nhà vua viết đến thành Thăng Long để làm lễ thụ phong. Tờ trát cũng nhấn mạnh: “Việc này là điển lễ lớn”. Lời lẽ của các tờ trát, tờ hịch của nhà Thanh tuy có giọng nước lớn nhưng vẫn nhằm vỗ về vua nước ta, coi Quang Trung là “người hiểu việc”, có “tình ý cung kính”, “lòng chí thành”, “được thi ân ngoài lệ thường”, sang năm sang chầu, phong làm thân vương,… Vua quan nước ta, lời lẽ tỏ ra rất phấn khởi, nào là “nhảy nhót vui mừng”, “mừng rỡ như thể tự trời đưa xuống”… Các văn bản giao dịch đều ghi là tờ bẩm hoặc thư, tỏ ra cung kính, nhún nhường, tự xưng là “tiểu phiên”, “tiểu mục”, đồng thời đề cao cái đức, cái nhân của vua quan nhà Thanh.

Sắc phong của vua Quang Trung năm 1790

Nhà vua cho chuẩn bị đầy đủ mọi yêu cầu của nhà Thanh như: Tổ chức các công quán đón tiếp dọc đường, cử các quan văn, võ chờ đón ở cửa quan… và chuẩn bị đón tiếp một cách thật đầy đủ. Nhưng trong sự nhún nhường, mềm dẻo đó vẫn có cái bản lĩnh cứng cỏi với những lời lẽ sắc bén.

Lúc đầu để thể hiện lòng nhiệt thành, nhà vua cho biết sẽ hoãn việc sửa thành Nghệ An để kịp ra Thăng Long vào trung tuần tháng chín, đón tờ sắc và thơ của “đại hoàng đế”. Ông cũng đề nghị cho mở cửa quan từ thượng tuần tháng chín để các đại viên nhà Thanh cũng đến vào dịp này và tỏ lòng cảm tạ ân sủng phi thường của vua Càn Long, coi đây là một “điển sách rất long trọng”. Nhưng về sau, nhà vua lại có những lý do không thể đến Thăng Long được. Ông cho biết bị ốm, mắc chứng bệnh thương hàn, đã gượng ra đi đến huyện Đông Thành, bệnh cũ lại tái phát, phải quay về thành Nghệ An để điều trị. Ông ủy nhiệm cho con đẻ là Nguyễn Quang Thùy và các quan văn, võ là: Loan Hồi Đại, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở ra Thăng Long thay ông đón các quan sứ mang tờ sắc lên đường vào Nghệ An, rồi đến trước thành Phú Xuân để tuyên phong. Ông viện lý do: Việc thay đổi địa điểm càng giúp cho các quan sứ của  thiên triều “hoa mắt, trông thấy” thêm tình hình từ thành Thăng Long về đằng Nam. Ân phong là một điển lễ lớn của “thiên triều” đã cho “mệnh lệnh mở nước” thì cần được tiến hành ở nơi đô thành đông đảo, còn thành Thăng Long “vượng khí đã tiêu mòn”, “người ở thưa thớt”. Đây cũng là dịp để ông dựa vào uy tín của thiên triều để trấn phục cả cõi Nam. Ông lại cho biết có hơn một trăm chiếc thuyền lạ tiến dần vào cửa bể Nhật Lệ, Tư Dung của Thuận Hóa, ra lệnh đánh ngay, lại sợ phạm tội, nếu là quan quân của thiên triều qua đấy. Ông phải ở lại chuẩn bị việc phòng giữ và hỏi lại thiên triều về việc này. Đến tháng chín, ông lại có thư đưa hai quan sứ đề nghị thay đổi ngày tuyên phong là: 25 tháng chín.

Giờ Mùi, ngày 13 tháng 9, năm thứ 54 niên hiệu Càn Long là ngày giờ tốt, hôm ấy, quan viên văn, võ nhà Thanh đến cửa quan. “Quan quân người Hán và người thổ (người địa phương) chỉnh từng đội ngũ đứng như bức tường” chờ đợi các quan sứ lên đường. Trước tiên nổi tiếng hiệu quá sơn (qua núi), đến ngựa đi tiên phong cùng đồ nghi trượng, rồi đến người tấu nhạc, đến tòa long đình (kiệu để tờ sắc và thơ nhà vua), đến người cầm giáo đi hai bên, tàn quạt các hạng. Khi các quan sứ sắp qua cửa quan, tiếng nhạc nổi lên rồi ba tiếng pháo thăng thiên. Lễ tế vị thần coi thổ địa và vị thần coi cửa quan được bắt đầu, rồi đến thủ tục xin lệnh nhà vua cho mở cửa quan, xin lĩnh và phát chìa khóa cửa quan, lệnh xướng: Mở cửa! Pháo nổ ran, vút lên ba tiếng thăng thiên. Lệnh xướng: “Buộc chiếc khóa lại”. Các quan chức nước ta cũng đến tòa long đình làm lễ. Nhạc lại tấu lên. Rồi các quan sứ cho tiếp nước trà, sau đó lên ngựa ra cửa quan. Lại nổi nhạc, lại đốt ba tiếng pháo thăng thiên. Sang khỏi cửa quan lên đường, đồ nghi trượng, người tấu nhạc đi trước, đến tòa long đình, đến các quan sứ và mọi người đi theo, đến các viên mục nước ta đón tiếp, đến các vệ sĩ… Đoàn sứ bộ nhà Thanh đi qua trấn Lạng Sơn, trấn Kinh Bắc, rồi tiến về Thăng Long, đi đến đâu cũng nhận được sự đón tiếp rất ân cần, chu đáo và cung kính, ăn uống rất sang trọng, lại thêm lễ vật hậu hĩ: Vàng, bạc, tê giác, ngà voi, trầm hương, nhục quế… không thể chê trách vào đâu được. Xin kể một bữa tiệc đầu tiên ở Thăng Long ngày 20-9 do vương tử Nguyễn Quang Thùy và bồi thần Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm… thết hai quan sứ gồm: Cỗ ngọc: Hai mâm; cỗ yến lần thứ nhì: 5 mâm; cỗ yến lần thứ ba: 8 mâm. Ăn uống thừa mứa, đến mức không thể ăn nổi phải cáo từ. Dưới đây là giấy cáo từ yến tiệc của hai quan sứ (trích):

“Vừa rồi chúng tôi mới dự tiệc quý, đã xong và tạ ơn… trong tờ bẩm có nói đồ ăn yến lần thứ hai, lần thứ ba, nhưng bất quá đem lòng tốt nhu thế. Vậy chúng tôi khước từ trước để khỏi phiền nhọc người nhà bếp và thêm phí tốn”.

Tuy vậy, sứ bộ nhà Thanh vẫn một mực khăng khăng không chịu vào phía Nam tuyên phong để giữ thể diện cho “thiên triều”, một nước lớn và rất nhiều lần gửi thư ép vua nước ta phải gượng ốm ra Thăng Long nhận sắc phong và bài thơ vào ngày 24 tháng chín, nào là: Muốn đổi địa điểm sao không báo từ đầu, “không nên thác bệnh trì hồi để mất sự cung kính”, “nếu đến Nghệ An, quốc trưởng chưa khỏi thì sao”, thành Thăng Long “vẫn là nơi đô hội của nước An Nam”; nào là: Không cứ phải rước tòa long đình đi xa mới “khoe khoang được với kẻ dưới”; nào là: Dân “An Nam liền năm mất mùa, lại sau khi binh lửa… nên để ý thương hại”, “không nên phiền nhọc sức dân, rong ruổi đến hàng ba, bốn trăm dặm đường nữa…”.

Vậy vua Quang Trung nước ta có thay đổi ý định, ra Thăng Long nhận sắc phong hay không? Trong Đại Việt quốc thư không thấy có chỗ nào nói rõ buổi lễ nhận sắc phong này. Nhưng ta có thể biết sự việc qua các thư cảm tạ sau đây:

– Thư của hai quan sứ trở về đưa cho quan Tư mã Ngô Văn Sở (trích): “…Còn như lễ vật quốc vương gửi đưa cho tôi, tôi thiết nghĩ chơi với nhau gần một tháng, thật là thông cảm, trong khi chia tay, lại vâng nhã ý đưa cho vật phẩm, đã không được gặp để cáo biệt, bụng tôi không nguôi, nay lại sai người từ xađem thư lại thăm, đủ rõ tình luyến ái của quốc vương, với hậu tình ấy, tôi càng thêm nghĩ ngợi…”.

– Lá thư thứ hai viết cho Ngô Văn Sở (trích): “Ngày 29, xe ngựa chúng tôi đến cửa quan… lòng riêng vui vẻ, người này, người  khác giống như nhau…”.

– Thư của hai quan sứ trở về gửi cho vua Quang Trung (trích): “…Mấy hôm chúng ta lại thêm nghĩ ngợi, lễ tuyên phong đã thành, vội trở vềkhông kịp giáp mặt để nói chuyện tương biệt… Tôi lúc mơ màng vẫn thấy quy mô khí tượng của quốc vương hơn vượt người thường… lại còn tặng cho nhiều vàng để giúp thêm cảnh sắc trong lúc đi đường, càng thấy là quốc vương hậu tình…”.

Theo Almanach những nền văn minh thế giới (Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1996) thì: “Nguyễn Huệ ở lại Phú Xuân cho cháu ngoại là Phạm Công Trị đóng vai quốc vương ra Thăng Long nhận chiếu phong quốc vương”.

Tính đến nay đã hơn hai trăm mùa xuân, ta càng tự hào về đường lối ngoại giao tích cực và uyển chuyển của lãnh tụ thiên tài Quang Trung, nhờ đó tránh được một cuộc chiến tranh lần thứ hai, có thể khốc liệt hơn nhiều với một nước lớn ham muốn bành trướng và thấy được vua Quang Trung nước ta đã thụ sắc phong của “đại hoàng đế” nhà Thanh như thế đấy.

Ghi chú: Bài viết dựa vào cuốn Đại Việt quốc thư ( những văn bản bang giao giữa vua Quang Trung và các vua quan nhà Mãn Thanh) – Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục Sài gòn, in lần 1:1967, lần 2: 1973 – Dịch giả: Đình Thụ Hoàng Văn Hòe. Hội đồng duyệt sách: Đạm Nguyên, Trần Tuấn Khải, Phạm Ngọc Khuê. Có tham khảo một số tài liệu khác.

Bài liên quan

Bài đăng mới