Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh được khánh thành vào năm 1929, là một trong những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa lâu đời của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua gần một thế kỷ tồn tại, bảo tàng đã chứng kiến những biến chuyển lớn của đất nước, từ thời kỳ thuộc địa, cuộc đấu tranh giành độc lập, đến những năm tháng thống nhất và phát triển hiện đại. Với hơn 44.000 hiện vật quý giá, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm bảo vệ di sản. Là một trong những biểu tượng của Sài Gòn, là nhân chứng sống động của Thành phố Hồ Chí Minh qua 50 năm thống nhất đất nước, Bảo tàng Lịch sử trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nơi lưu giữ ký ức và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.
1. Từ Bảo tàng Blanchard de la Brosse đến Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh
Bảo tàng Blanchard de la Brosse là bảo tàng đầu tiên được thành lập ở Nam kỳ và cũng là một trong những bảo tàng cuối cùng mà người Pháp thành lập ở Đông Dương. Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises, viết tắt là SEI) chính là tổ chức đứng ra xúc tiến công việc này. Đây là một hội bác học kỳ cựu được thành lập năm 1883, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, trí thức trong xã hội. Ngay từ buổi đầu, Hội đã tự xuất tiền để mua nhiều cổ vật và đã có dự kiến để thành lập một bảo tàng. Năm 1927, khi dược sĩ Holbé – một nhà sưu tập cổ vật nổi tiếng qua đời, Hội đã xin chính quyền được lạc quyên trong dân chúng để mua lại sưu tập này.
Dưới sự vận động tích cực của Hội, ngày 28-11-1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Nam kỳ (sau đổi tên thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 06-8-1928). Ông Jean Bouchot – là Bảo thủ văn thư của Hội đã được cử làm Giám thủ đầu tiên của bảo tàng. Trụ sở của bảo tàng được đặt tại tòa nhà được xây theo phong cách kiến trúc Đông Dương do kiến trúc sư Delaval thiết kế và hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thi công trong hai năm. Ngày 01-01-1929, chính quyền Nam kỳ đã long trọng khánh thành bảo tàng.

Đến những năm 40 của thế kỷ XX, đất nước có những biến động đã tạo nên bước chuyển giao giữa người Pháp và người Việt trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của bảo tàng. Từ năm 1946, Bảo tàng Blanchard de la Brosse vẫn do những Quản thủ người Pháp (Louis Malleret, Pierre Dupont, Bernard Groslier) điều hành cho đến năm 1954 khi Vương Hồng Sển được cử làm quyền Quản thủ. Từ đây, chính quyền Sài Gòn mới thực sự quản lý Bảo tàng, Bảo tàng không còn trực thuộc Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) cũng như không còn các nhân viên người Pháp nữa.
Ngày 16 tháng 5 năm 1956, theo Nghị định 321-GD/NĐ, chính quyền Sài Gòn đổi tên Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (Sài Gòn). Sau thời gian này, Viện Bảo tàng được giao lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục (sau là Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên) và phân quyền tạm thời cho ông Vương Hồng Sển, chuyên gia về đồ sứ cổ Hoa – Việt và mỹ thuật Việt Nam đảm trách.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 01-5-1975, Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (Sài Gòn) đã được Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp thu nguyên vẹn.
Tháng 6-1977, Bộ Văn hóa ra quyết định bàn giao Bảo tàng cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; sau đó ngày 18-11-1977, Bảo tàng được giao lại cho Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố quản lý. Ngày 23-8-1979, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử, chính thức đặt nền móng cho sự ra đời của một bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Sự chuyển mình của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975
2.1. Mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất và đa dạng hóa các hoạt động của Bảo tàng
Từ kiến trúc ban đầu do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế với tổng diện tích sử dụng là 2.100m2, vào tháng 8-1981, Bảo tàng mở rộng diện tích theo kiến trúc hình chữ U, phía sau có diện tích 1.000m2, được thiết kế bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Theo đó, Bảo tàng triển khai kế hoạch xây dựng thêm hệ thống trưng bày gồm khu trưng bày của tòa nhà cũ thông với khu chữ U phía sau có diện tích tổng cộng khoảng 3.000m2, gấp ba lần diện tích trưng bày cũ.
Cho đến nay, sau gần 50 năm, qua nhiều đợt cải tạo, mở rộng và nâng cấp, Bảo tàng đã đổi mới toàn diện, có hệ thống kho cơ sở hoàn chỉnh, hình thành một hệ thống trưng bày hoàn toàn mới với 17 phòng trưng bày cố định giới thiệu tiến trình lịch sử Việt Nam, các chuyên đề đặc trưng văn hóa phương Nam và của một số nước châu Á. Tổng số hiện vật lưu trữ hơn 44.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật quốc gia.
Trong số các hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ không thể không nhắc đến một số lượng đáng kể những hiện vật, những bộ sưu tập có giá trị mà Bảo tàng vinh dự được tiếp nhận từ những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Họ là những nhà nghiên cứu, nhân sĩ, sưu tập tư nhân, người dân,… nhưng tựu trung đều đem lòng say mê, trân trọng với những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Có thể kể đến những bộ sưu tập tiêu biểu như: Sưu tập bình vôi của François Grailly (người Pháp – 1986), Sưu tập Vương Hồng Sển (1996), Sưu tập gốm Gò Sành của Alison Diệm (người New Zealand – 2004), Sưu tập Dương Hà (2011) và nhiều hiện vật của các tổ chức khác như: Hội Cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh, Chi hội Gốm Nam bộ. Những hiện vật trên đã góp thêm nhiều loại hình độc đáo mà Bảo tàng chưa từng sở hữu. Hơn thế nữa, hoạt động hiến tặng hiện vật đã thể hiện ý thức ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Qua gần 50 năm đổi mới và phát triển, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã đảm đương được sứ mệnh mà những người yêu di sản văn hóa trao truyền, gửi gắm – hơn thế, nó đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa không thể thiếu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
3. Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh – Nơi lịch sử không bao giờ là cũ
Ngày 01-01-1929, trong bài diễn văn khánh thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse, ông Louis Finot, khi đó là Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ, đã tuyên bố: “Có thể có một vài người có đầu óc thực tế sẽ hỏi rằng ích lợi của viện bảo tồn này là gì. Chúng tôi sẽ trả lời rằng ích lợi đó có ba mặt: Khoa học, giáo dục, du lịch” (BEFEO, XXIX, tr. 505).
Thật vậy, thời gian không ngừng đứng yên và lịch sử cũng thế. Gần một thế kỷ trôi qua, từ những ngày đầu thành lập, Bảo tàng Blanchard de la Brosse với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị các cổ tích, đến sự tiếp nối, chuyển giao của Viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn và hiện nay là Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, với những sự đổi mới, sáng tạo để trở thành một điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu về di sản văn hóa được yêu thích của công chúng Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành và trong khu vực. Đối với Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, lịch sử không bao giờ là cũ. Trái lại, mỗi hiện vật, mỗi dấu tích, mỗi sự kiện trong lịch sử đều ẩn chứa vô vàn những bất ngờ chờ đợi được công chúng khám phá từ những trưng bày mà bảo tàng gửi đến công chúng.
Với vai trò là nơi lưu giữ ký ức lịch sử và giữ gìn giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vị trí và tiềm năng trong chiến lược phát triển, đặc biệt là hoạt động trưng bày, giáo dục, truyền thông và hoạt động quan hệ quốc tế để bảo tàng xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác vì mục tiêu hướng tới công chúng, vì công chúng và cho công chúng. Và trong nỗ lực này, vào tháng 8-2024 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu đến công chúng một diện mạo hoàn toàn mới, thể hiện quan điểm “Bảo tàng vì con người và phục vụ con người”, “Tương lai của truyền thống”, diện mạo mới này được lấy cảm hứng từ những khám phá đầy bất ngờ về một Việt Nam chưa từng biết đến trong quá khứ.