Hằng năm, thời điểm tháng 9 theo lịch Hồi giáo là tháng chay tịnh nên từ cuối tháng 8, người Chăm Hồi giáo Bani (còn gọi là Awal) ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã chuẩn bị để đón lễ hội Ramưwan, (lịch Hồi giáo gọi là tháng Ramadan, chỉ có 354 ngày nên chỉ tính cụ thể từng năm để đối chiếu Dương lịch).
Hiện nay, tại Ninh Thuận, có 7 làng người Chăm Hồi giáo Bani, Bình Thuận có 11 làng. Đến các làng này đúng dịp Ramưwan, mọi người sẽ chứng kiến người Chăm tổ chức lễ hội Ramưwan vô cùng khác biệt, độc đáo và ấn tượng. Lễ hội tuần tự diễn ra như sau:
– Lễ tảo mộ: Vào những ngày cuối cùng của tháng 8 lịch Hồi giáo, trong mỗi tộc họ người Chăm Hồi giáo Bani chuẩn bị lễ vật, mang cuốc, xẻng đi đến các nghĩa địa (ghur) để tảo mộ và cúng bái tổ tiên. Thời điểm này, đoạn đường từ làng ra nghĩa địa là một cảnh tượng rất ngoạn mục, từng đoàn người đông đúc trang phục truyền thống chỉnh tề, nhiều màu sắc rực rỡ vô cùng. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, mỗi tộc họ bên mẹ có một nghĩa địa riêng để chôn cất người mất, gồm hai dãy bia mộ bằng đá tròn (đá tự nhiên dưới sông suối to tròn bằng trái bóng đưa về), sắp theo hai hàng dài. Khi đến nơi, mọi người đều tham gia làm cỏ, nhổ cây, đắp đất ở các phần mộ.

Sau phần tảo mộ xong, các tu sĩ Hồi giáo Bani chủ lễ ngồi dọc theo một hàng bia đá, cầu kinh Coran, đốt trầm hương, trầu cau, các vị phụ tế vẩy nước thánh lên từng hòn đá. Tất cả thành viên trong tộc họ đều kính cẩn nằm xuống đất ở hàng bia đá phía đối diện các tu sĩ để cúng bái, cầu khấn, mời tổ tiên về hưởng mùa Ramưwan với con cháu. Sau khi tu sĩ đọc kinh, vẩy nước thánh, người thân cầu khấn xong, phần tảo mộ kết thúc.
Lễ tảo mộ là cuộc hành hương của người Chăm Hồi giáo Bani đến nghĩa địa dâng cúng lên tổ tiên, ông bà. Quang cảnh lễ tảo mộ thiêng liêng và đặc sắc vô cùng…

– Tiếp theo là lễ cúng gia tiên: Sau phần tảo mộ trở về nhà, gia chủ chuẩn bị một chỗ trang trọng, trải chiếu mới, trưng bày trầu cau, trà, hoa quả để cúng mời tổ tiên về dự Ramưwan. Khi lễ vật và người phục vụ đã chuẩn bị xong, thầy Achar, chức sắc Hồi giáo Bani hoặc người thông hiểu kinh Coran chủ trì làm lễ tẩy trần, đọc kinh khấn nguyện và vẽ bùa, mọi người trong gia đình, tộc họ chỉnh tề trang phục bắt đầu cúng. Lễ vật cúng dâng lên gồm 2 loại: Mâm lễ ngọt gồm bánh, trái cây, chè; mâm lễ mặn có cơm, canh, cá, thịt dê, gà và trầu cau, trầm hương, dâng lần lượt nhiều đợt, mỗi đợt 2 mâm lễ ngọt và mâm lễ mặn. Gia chủ khấn mời tên vị thần, tổ tiên về vui hưởng cùng con cháu, cầu xin phù hộ an lành, hạnh phúc cho toàn tộc họ, toàn tín đồ trong làng.
Kết thúc là phần ăn uống, chúc tụng nhau.
Về phần hội: Tùy theo điều kiện, từng làng sẽ tổ chức văn nghệ, thể thao, thi đội nước, dệt vải, thi bò cày,… Tất cả những hoạt động vui chơi này phải diễn ra trước ngày 30 tháng 8.
Đến ngày 01 tháng 9, các tu sĩ Hồi giáo Bani đồng loạt vào Thánh đường ở đúng một tháng học tập, ôn luyện kinh Coran, chay tịnh, nhịn ăn khi còn ánh sáng mặt trời, chỉ được ăn uống vào ban đêm… nên người Chăm Hồi giáo Bani gọi là tháng nhịn ăn. Ngày tu sĩ bắt đầu vào Thánh đường, trên khắp các nẻo đường làng, du khách sẽ thấy hàng đoàn thiếu nữ Chăm trang phục truyền thống, đội mâm lễ vật, gạo, thực phẩm đến Thánh đường dâng cúng, sau đó chuyển vào trong Thánh đường cho các tu sĩ sử dụng suốt tháng này…

Có một tục lệ rất lạ của người Chăm Hồi giáo Bani là: 15 ngày đầu trong tháng 9 – Ramưwan, tín đồ trong làng không được sát sinh. Đến đêm thứ 30, đêm cuối cùng tháng chay tịnh, thân nhân các tu sĩ đem phần gạo được chia trong Thánh đường về nấu cơm để rạng sáng hôm sau dâng lên Thánh đường, phần còn lại mời tất cả mọi người trong làng cùng đến ăn, thực phẩm có trứng, muối mè… Ramưwan là một lễ hội lớn nhất của người Chăm Hồi giáo Bani, thu hút các tộc họ trong làng tham gia đi tảo mộ, cúng tổ tiên để tưởng nhớ người thân đã mất, tổ chức ca múa nhạc dân gian vui hội, nên người Chăm còn gọi là “Tết Ramưwan”. Nói cách khác, lễ hội Ramưwan biểu hiện văn hóa tâm linh thiêng liêng, thể hiện tín ngưỡng truyền thống và phô diễn sự độc đáo về văn hóa của người Chăm Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận, Bình Thuận.