Hà Nội đâu chỉ có năm cửa ô

Nguyễn Hữu Bảo

Tạp chí Xưa&Nay, số 364, tháng 10 năm 2010

Chúng ta đều biết chữ Thăng Long (Rồng bay lên) thời Lý khác với Thăng Long (thịnh vượng lên) thời đầu nhà Nguyễn. Tuy dị nghĩa nhưng đồng âm theo tiếng Hán, nhưng khiến vua Minh Mạng bất an về về đám sĩ phu Bắc Hà với nghĩa khí “Rồng bay lên” sẽ bất tuân triều đình. Để giảm đi phần nào nghĩa khí đó, Minh Mạng đã đổi tên Thăng Long thành Hà Nội (vùng đất trong sông) bởi vùng đất này nhiều sông hồ. Vì giao thông ra vào thành Hà Nội trong thời kỳ đó và trước nữa chủ yếu là đường thủy do vậy có rất nhiều cửa ô để kiểm soát thuế khóa, an ninh…

Ô Quan Chưởng thuở xưa. Nguồn: Sưu tầm 

Theo tài liệu Bắc Thành dư địa chí được viết vào thế kỉ XIX, Hà Nội có 21 cửa ô nhưng không hgi rõ đầy đủ tên và vị trí. Đến năm 1831, hai ông Nguyễn Công Tiến và Lê Đức Lộc vẽ bản đồ “tòa thành Hà Nội” có cụ thể tên và vị trí 16 cửa ô mà dọc sông Hồng phía đông thành có đến 11 cửa ô, bắt đầu từ ô Yên Hoa (Yên Phụ) đến ô Lãng Yên (Đống Mác) ở phía đông nam thành. Trong 11 cửa ô phía đông có ô Trừng Thanh là ít người biết đến nằm ở vị trí đầu cầu Chương Dương ngày nay. Ở đó, có bến đò ngang qua sông Hồng. Người Pháp dựng tại đó một cột đồng hồ để hành khách biết giờ hành chính. Phía nam thành có các ô Thịnh Yên (Cầu Dền), ô Kim Liên (Đồng Lâm). Phía tây có ô Thịnh Hào (Chợ Dừa), ô Thanh Bảo (bến ôtô Kim Mã bây giờ). Phía bắc có ô Thụy Chương (khoảng vườn hoa Tây Hồ, đầu đường Hoàng Hoa Thám bây giờ). Như vậy trong 16 cửa ô được ghi không có tên ô Cầu Giấy. Thiển nghĩ cũng là logic vì Cầu Giấy lúc đấy rất xa với Hoàng Thành, mà chỉ có tên gọi là cổng Tây Dương, cửa ngõ phía tây vào thành. Dân gian quen gọi là ô Cầu Giấy vì ở đó có cầu bắc ngang sông Tô Lịch cũng là nơi họp chợ bán giấy bản, sản phẩm của làng giấy Kẻ Bưởi gần đó.

Nhân đây cũng nói thêm về tên chữ và tên Nôm của các cửa ô. Người Tràng An được tiếng là thanh lịch nhưng cũng có thói quen nói nôm na, căn cứ vào các dấu tích trực giác để gọi cho tiện và dễ nhớ mặc dù nghe hơi thô, ví dụ: vườn hoa Diên Hồng, có biển cắm tên hẳn hi nhưng cứ gọi là vườn hoa Con Cóc vì ở đây có 4 con cóc đúc bằng gang phun nước. Ai có hỏi vườn hoa Diên Hồng thì không biết mặc dù hàng ngày vẫn đi qua nhưng nếu hỏi vườn hoa con cóc thì biết ngay… Tương tự như vậy, vườn hoa Vạn Xuân thì cứ gọi là vườn hoa Hàng Đậu vì nó nằm ở vị trí cuối phố Hàng Đậu. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cứ gọi là đài phun nước Bờ hồ… Tên chữ và tên nôm của các cửa ô cũng không nằm ngoại lệ. Ô Thịnh Quang (sau đổi thành Thịnh Hào) nghe nói xưa bán rất nhiều dừa của làng Sấu, Giá (Sơn Tây) chuyển lên, thế là gọi luôn là ô Chợ Dừa. Ô Thanh Lãng (sau đổi thành Lãng Yên) được gọi là ô Đống Mác vì có 2 giả thuyết: Một là, tương truyền khi xưa quân giặc bị ta đánh bật ra khỏi thành qua đó đã vứt giáo mác, cờ xí thành đống nên gọi là ô Đống Mác. Hai là, ở đó có nhà riêng của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nên gọi là ô Ông Mạc sau đọc chệch đi thành Đống Mác.

Ô Quan Chưởng tuy đã được trùng tu nhưng gần như vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính. Nguồn: Sưu tầm

Hay ô Yên Ninh (sau đổi thành Thịnh Yên) tương truyền khu vực này trồng nhiều rau dền, ở đó lại có cầu bắc qua sông Kim Ngưu nên gọi là ô Cầu Dền… Tiêu biểu là ô Quan Chưởng, rõ ràng ngày nay đi qua nó ai cũng thấy chữ “Đông Hà Môn” đắp bằng chữ Hán trên thượng lầu nhưng theo dã sử, năm 1873 (đời Tự Đức thứ 26), Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Một ông quan, chức trưởng cơ đã chỉ huy khoảng 100 vệ binh tự thủ ở Đông Hà Môn, tất cả đã anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương của người dân Hà Nội, và ô Quan Chưởng được gọi từ đó để tưởng nhớ vị quan này.

Lần thứ hai, khi giặc Pháp đánh chiếm xong thành Hà Nội, để mở đầu cho việc quy hoạch đô thị họ đã gây áp lực để vận động dân và quan chức bản địa các khu vực có cửa ô đồng ý cho phá các cửa ô để mở đường, riêng ô Quan Chưởng là còn lại đến nay vì dân và quan sở tại không đồng ý.

Không biết câu “Hà Nội năm cửa ô” có tự bao giờ và là những cửa ô nào? Hay đó là những cửa ô cuối cùng bị phá (trừ ô Quan Chưởng) hay số 5 là biểu tượng của ngũ hành hay của năm cánh hoa đào và sau này là… sao vàng năm cánh.

Cũng có thể chấp nhận câu nói đó theo một thói quen.

Bài liên quan

Bài đăng mới