Chào mừng Thăng Long – Hà Nội một ngàn năm tuổi, có hai công trình văn hóa tâm linh trọng điểm, đó là việc đúc hai pho tượng đồng Phù Đổng Thiên Vương và Phật hoàng Trần Nhân Tông.
1. Phù Đổng Thiên Vương còn gọi là Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” Việt Nam. Theo truyền thuyết thì ông Gióng sinh ở làng Phù Đổng (Gia Lâm), tuổi mới lên ba, chẳng nói, chẳng rằng, vào thời vua Hùng Vương thứ 6, khi nghe sứ giả nhà vua báo có giặc Ân đến đánh chiếm nước ta, thì vùng đứng dậy xin với nhà vua ngựa sắt, kiếm sắt rồi lớn lên như thổi, sức mạnh như thiên thần, đánh đuổi giặc Ân, cứu dân, cứu nước. Đánh gẫy gươm sắt thì ông nhổ từng bụi tre ngà đánh tan quân giặc… rồi bay về trời trên núi Sóc Sơn.
Thời dựng nước – cách đây ba bốn ngàn năm, là buổi bình minh của dân tộc, chưa có sử thành văn. Chỉ có huyền thoại và huyền tích, nhưng đã vẽ lên sự trưởng thành nhanh chóng của một dân tộc quyết tâm vùng đứng dậy bảo vệ non sông.
Việc đúc và dựng tượng đức Thánh Gióng được tiến hành từ mùa thu năm 2009. Đúng ngày giờ “trùng cửu” 9 giờ 9 phút ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu tức ngày 26-10-2009, hơn 3.000 người đã dự lễ khởi công đổ mẻ đồng đầu tiên tại Khu di tích đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đông đảo Phật tử và người dân cùng gửi gắm hàng chục kilô kim loại quý vào mẻ đồng đầu tiên.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Phúc Khánh, Hà Nội, cho biết đã dùng 10 tấn đồng cho mẻ đúc khởi công này. Toàn pho tượng đúc bằng đồng nguyên chất nặng 85 tấn vươn lên trời với độ dài 16 mét đặt trên đỉnh núi Đá Chồng. Mẫu tượng mô phỏng hình ảnh Thánh Dóng tay mang tre ngà thúc ngựa hướng lên trời xanh. Tổng dự toán 50 tỷ đồng. Công trình hoàn thiện vào tháng 9-2010.
Người anh hùng làng Gióng là biểu tượng kỳ vĩ của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Cảm xúc trước biểu tượng đó, Cao Bá Quát đã viết hai câu bất hủ:
Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn
Đằng vân do hận cửu thiên đê.
Nghĩa là:
Đánh giặc, lên ba hiềm vẫn muộn
Lên mây, tầng chín hận chưa cao.
2. Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm (1258 – 1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần, vua cha là Trần Thánh Tông, là người chỉ huy tối cao, nhà hoạch định chiến lược của hai trong ba trận chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên Mông, ông Tổ sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong chiến thắng Nguyên Mông, nhân dân ta ghi nhớ công đức của thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, nhưng với sự công bằng lịch sử, không thể không thấy vai trò và uy tín của vua Trần Nhân Tông, lãnh tụ tối cao của cuộc chiến.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 năm 1285, Trần Nhân Tông đã đưa ra chiến lược “Lấy nhàn đợi mệt” và đã viết lên đuôi thuyền hai câu thơ đầy ý chí và niềm tin vào sức mạnh chiến thắng của quân ta:
“Anh nên nhớ chuyện Cối Kê” (nhớ chuyện Câu Tiễn nhẫn nhục chờ thời cơ diệt địch) và “Hoan Diễn do tồn thập vạn quân” (Thanh Hóa – Nghệ An còn mười vạn quân).
Hai câu thơ này cùng với bài thơ của Trần Quang Khải “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử Quan…” đã đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến công bình Nguyên năm 1285, trong đó Trần Nhân Tông là chủ soái.
Không từ bỏ dã tâm xâm lược, năm 1287 nhà Nguyên lại hùng hổ đem quân đánh chiếm Đại Việt lần thứ ba. Lần này chúng cũng không thoát khỏi thảm bại. Trần Nhân Tông trực tiếp cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông xông trận. Sự có mặt của nhà vua tại trận Bạch Đằng (tiêu diệt toàn bộ thủy quân Ô Mã Nhi) không những thể hiện quyết tâm của ông mà còn tỏ rõ tài thao lược, trực tiếp chỉ huy chiến trận.
Sau khi đại thắng trận Bạch Đằng năm 1288 kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Trần Hưng Đạo rước vua Nhân Tông cùng Thượng hoàng Thánh Tông về Thăng Long. Trong tiệc khao thưởng tướng sĩ, Trần Nhân Tông truyền cho dân mở hội ba ngày đêm gọi là “Thái Bình diên yến”. Nhân lúc vui mừng, vua ứng khẩu ngâm hai câu thơ: “Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Bởi vì mấy hôm đó, người ta thấy ở chân các con ngựa đá tạc chầu ở các miếu, điện đều có dính bùn. Mọi người cho rằng chính các ngựa đá và muôn vật đều tham gia đánh giặc. Việc đó đến tai vua, vua Nhân Tông cảm hứng thốt lên những lời thơ vừa hiện thực vừa tượng trưng: chỉ hai câu mà đã thành danh cú, vạn thuở còn truyền.
Cũng như các vua Trần khác, tuy có nguồn gốc dân chài, nhưng Trần Nhân Tôn đều học rất giỏi thông cả tam giáo cửu lưu (Phật, Lão, Nho và nhiều trường văn hóa thời xưa). Không những là vua anh hùng, còn là triết gia, và nhà thơ đặc sắc, ông chỉ để lại hơn 20 bài thơ, nhưng bài nào cũng hay, cũng ý vị, xứng đáng với tâm hồn một vĩ nhân. Như bài về cảnh vật làng quê Việt Nam:
Thôn trước thôn sau tựa khói lồng
Bóng chiều dường có lại dường không
Mục đồng sáo vắng trâu về hết
Cò trắng từng đôi hạ xuống đồng.
(Ngô Tất Tố dịch)
Trong cuộc đời mình, Trần Nhân Tông làm vua 14 năm, nhường ngôi 5 năm – chỉ ở vị trí vua cha và đi tu 8 năm. Theo Thiền sử, Nhân Tông sớm tâm đắc với đạo Thiền, ngay thời gian làm vua, ông đã chú ý nghiên cứu triết học Thiền Tông, nắm được chỗ tinh yếu nhất của đạo Thiền.
Làm vua ít năm rồi nhường ngôi vào núi vắng tu hành, phải chăng Trần Nhân Tông là người thích nhàn thân, lánh đời, tiêu cực. Thực ra xét toàn bộ hành trạng của ông thì thấy cuộc đời ông là cuộc đời luôn luôn hành động, chiến đấu. Trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thời Nhậm có chỗ luận giải rất xác đáng mục đích việc Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử dựng am tu ở đó: “Mọi người thấy đức Điều Ngự (tức Nhân Tông) là Tổ thứ nhất khi ra ở chùa Yên Hoa thì cho ngay là ngài xuất gia. Nhưng có biết đâu lúc bấy giờ, đức tổ biết lấy thiên hạ làm chung, gặp lúc nước nhà yên ổn, song nước láng giềng ở ngay bên cạnh rất mạnh nên chưa được yên tâm, mà không muốn nói ra sợ lòng người dao động. Nhận thấy Yên Tử là một ngọn núi cao ở phía đông có thể nhòm một mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng. Phía bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến cho quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới thật là vô lượng lực đại thế chí Bồ Tát”…
Phật hoàng Trần Nhân Tông được nhân dân ta tôn vinh là vị vua anh hùng và nhà văn hóa kiệt xuất.
Công trình tượng Trần Nhân Tông được khởi công tại khu vực An Kỳ Sinh, lên chùa Đồng vào ngày 11 tháng 11 năm Kỷ Sửu (16-12-2009) đúng ngày kỷ niệm nhập Niết Bàn của Phật Hoàng. Tượng đúc ngồi trên bệ làm bằng bê tông cốt thép, ốp đá điêu khắc, cao hơn 2m, thân tượng đồng cao 9,9m, toàn bộ cao 15m.
Với tinh thần “Phật tọa, dân an”, pho tượng sẽ được đúc ở tư thế ngồi, trong trạng thái tĩnh tại, ung dung, thư thái.
Mẫu lấy từ bản gốc thờ tại Tháp Tổ chùa Hoa Yên, là bức tượng do chính con trai nhà vua là Trần Anh Tông tạc vào năm 1309 sau khi Phật hoàng mất một năm.
Công trình dự tính hoàn thành vào tháng 12-2010, góp phần tôn vinh và làm rạng rỡ Kinh đô Phật giáo Yên Tử và Phật giáo nước ta.