Nghĩa tình của làng quê bên sông Nhuệ

Nguyễn Tá Nhí

Tạp chí Xưa&Nay, số 0, tháng 3 năm 1994

Một lần trong lúc trò chuyện với bà con làng Hữu, tôi được một bà lão đọc cho nghe câu ca dao cổ:

Nhất ngon là mía Lam Điền

Trai khôn kẻ Tó, gái hiền Từ Trung

Câu hát giao duyên tình tứ ấy không biết có từ thuở nào? Vẫn giọng hồ hởi cởi mở, bà lão khẳng định với chúng tôi điều đó. Bà lại vui vẻ kể thêm, con gái làng Hữu chúng tôi tháo vát đảm đang lắm. Năm nào cũng vậy, mỗi khi buông tay liềm tay hái, liền cất đòn gánh lên vai, nay thì thong thả chợ Tư chợ Mới, mai lại hối hả chợ Mỗ chợ Đơ. Còn con trai làng Tó ở bên kia sông, lại rất có chí, học giỏi tài cao, đời nào cũng có người làm quan trong triều.

Tìm hiểu kỹ thêm, được biết Từ Trung là tên gọi cũ của hai làng Hữu Từ, Hữu Trung thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì ngày nay. Hai làng nằm kề nhau bên bờ sông Nhuệ, xưa kia vốn là một làng, chùa chung, đình chung và dĩ nhiên là đức bản thổ thành hoàng cũng chung. Chỉ đến đầu thế kỷ XX này, làng Từ Trung mới tách ra làm hai. Hiện nay, kinh tế ở vùng này tương đối phát đạt, ngoài nghề nông cổ truyền, dân làng đã phát triển nhiều nghề phụ, có giá trị kinh tế rất cao, như làm miến dong, mì sợi… Đường làng ngõ xóm đều lát gạch, hoặc đổ bê tông rất phẳng phiu chắc chắn. Nhà ngói, nhà mái bằng nối nhau san sát trông như phố xá. Ngay cả ngôi đình làng bị phá hủy thời kháng chiến chống Pháp, nay đã được tạo dựng lại uy nghi chẳng kém gì xưa. Đất lề quê thói, con gái làng Hữu tuy chẳng phải chim sa cá lặn, song cái nết hay lam hay làm, dịu dàng thùy mị, thì ít có nơi nào sánh kịp. Các chàng trai làng Tó quả là có con mắt tinh đời.

Kẻ Tó tức làng Tả Thanh Oai, thuộc xã Tả Thanh Oai, nằm bên tả sông Nhuệ, đối ngạn với làng Hữu. Đây là một làng quê văn vật nổi tiếng nhất, xưa kia có nhiều người thi đỗ đại khoa, làm quan cao trong triều đình phong kiến. Có những dòng họ tiếng tăm còn lừng lẫy khắp cả nước, tên tuổi của họ đã gắn liền với lịch sử dân tộc. Chẳng hạn như dòng họ Ngô Thì, có Ngô Thì Sĩ thi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Đốc trấn Lạng Sơn; con trai ông là Ngô Thì Nhậm thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư Bộ Binh… Dòng họ Ngô Thì không chỉ nổi tiếng vì có nhiều người đỗ cao làm quan to, mà còn nổi tiếng hơn vì những trước tác đồ sộ của mấy thế hệ cha con ông cháu đã được sưu tập lại thành một văn phái có một không hai trong lịch sử thư tịch nước nhà – Ngô gia văn phái. Khỏi phải nói gì thêm về tính cần cù hiếu học của các chàng trai làng Tó. Có là chỉ cần nhắc thêm một chút về cái “khôn” của họ, đó là “khôn chốn văn chương”. Chính cái khôn đó đã khiến cho bao nhiêu cô gái làng Hữu mắc bệnh tương tư.

 Sông Nhuệ đoạn địa phận xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội)

Bà lão còn kể thêm rằng, ngày xưa, chợ Tó ở quê tôi vui lắm. Một tháng sáu phiên, chợ bán đủ các thứ hàng, đông vui tấp nập. Sau tiết heo may, mùa thu, thì chợ ngập tràn những mía. Mía Quán Gánh Thường Tín đanh cây ngọt sắc, mía Mễ Sở Văn Giang dài dóng mắt thưa, mía Vân Canh Từ Liêm thân mập nước nhiều. Thế nhưng ngọt nhất vẫn là mía Lam Điền Chương Mỹ.

Vẫn lập luận theo lô gich ấy, thì trai thanh gái lịch ở các làng quê có thiếu gì, song tài trai khôn khéo nhất vẫn là các chàng trai làng Tó, hiền dịu đảm đang nhất vẫn là các cô gái làng Hữu. Hai làng Tó, Hữu ở hai bờ sông Nhuệ, đời đời kết nghĩa nhân gia, ngày xưa đã từng như vậy, ngày nay vẫn thấy như thế. Đó là một nét đẹp của tình làng nghĩa xóm, đã gắn bó con người với con người.

Người với người sống để yêu nhau, không phải chỉ ở làng Tó, làng Hữu có được như thế, mà ở nhiều làng quê bên dòng sông Nhuệ, ở đâu chúng ta cũng dễ dàng nhận ra nét đẹp đó. Hành vi thắm đượm tình người này, không chỉ giới hạn ở quan hệ giữa một con người với một con người, cũng không phải chỉ là quan hệ giữa một gia tộc này với một gia tộc khác mà còn là quan hệ giữa làng này với làng khác. Sống trong xã hội cũ, nạn trộm cắp giặc giã thường xuyên xảy ra. Cuộc sống yên bình của con người luôn luôn bị đe dọa, do vậy mà những người dân lao động phải biết tập hợp nhau lại, phải biết chung lưng đấu cật để bảo vệ thành quả của mình. Đoàn kết gắn bó thì sống, cô độc lẻ loi thì chết, không còn con đường nào khác nữa. Hiểu được như vậy, ba làng: Quang Liệt thuộc xã Thanh Liệt, Huỳnh Cung thuộc xã Tam Hiệp, Lê Xá thuộc xã Hữu Hòa, đều thuộc huyện Thanh Trì ngày nay, đã liên kết nhau lại. Họ còn chung với hai làng Xa La và Yên Xá, thuộc thị xã Hà Đông. Hiện nay trong một tấm bia đá ở làng Xa La còn ghi lại tường tận sự việc các làng Quang Liệt, Huỳnh Cung, Lê Xá, Xa La. Yên Xá giúp nhau đánh giặc.

Bia ghi rõ, năm 1882, sau khi Hà Thành thất thủ, giặc giã nổi lên khắp nơi. Năm làng Quang Liệt, Huỳnh Cung, Lê Xá, Xa La, Yên Phúc đã giao kết với nhau, mỗi khi giặc giã đến cướp phá làng nào, thì các làng kia sẽ kéo đến trợ giúp. Bấy giờ bọn giặc cướp phá làng Lê Xá, tin tức nhanh chóng được truyền đi. Bốn làng kia đều cử những chàng trai can đảm, khỏe mạnh đến trợ giúp Lê Xá. Trận chiến xảy ra ác liệt kéo dài mấy giờ liền, kết quả bọn giặc phải bỏ chạy, tài sản và con người làng Lê Xá đều được nguyên vẹn. Thế nhưng bốn làng đem quân đến trợ giúp đều có tổn thất. Làng Yên Xá bị chết 4 người, làng Quang Liệt 3 người, làng Xa La 2 người, làng Huỳnh Cung 1 người.

Dân làng đã có những quy ước giải quyết cho trọn tình vẹn nghĩa thắm đượm tình người. Tấm bia đá ở chùa Xa La ghi rất chi tiết: “Theo như điều ước quy định, các làng phải tự lo liệu giải quyết hậu quả cho thỏa đáng. Riêng có hai ông Ngũ trưởng, Nguyễn Đình Năng và Nguyễn Vi Thừa, người bản thôn, vì cha mẹ họ mất sớm, con cái lại không có, vậy là họ không còn nơi nương tựa. Nay dân làng hội họp ở đình, ưng thuận đứng ra lo liệu việc giỗ chạp. Mỗi giỗ dùng một sào ruộng, lại cho dựng bia ở chùa. Số ruộng giỗ giao cho dân luân phiên cùng cấy, hàng năm đến ngày 20 tháng 10 làm lễ giỗ. Mỗi lễ giỗ sắm 1 mâm xôi, 1 con lợn, 1 vò rượu, 30 miếng trầu, đem đến lễ trước bia…”. Cuộc sống quả là đáng quý, nhưng tình nghĩa giao hiếu với các làng cũng rất trân trọng. Do vậy khi cần để gìn giữ tình nghĩa giao hiếu đó, họ không hề tiếc sức mình, kể cả sinh mệnh thiêng liêng cao quý. Đó là những biểu hiện tốt đẹp của mối tình giao hữu giữa các làng quê nói chung và của những người dân Quang Liệt, Huỳnh Cung, Lê Xá, Xa La, Yên Xá bên dòng sông Nhuệ nói riêng. Tình giao hữu ấy quý giá biết dường nào!

Bài liên quan

Bài đăng mới