Người mang thẻ bài đặc biệt

La Nhiên

Tạp chí Xưa&Nay, số 369, tháng 11 năm 2010

Thưc dân Pháp lập nhà tù Buôn Ma Thuột năm 1929. Sau đó không quá một năm Nhà tù thuờng phạm này trở thành một trong những Nhà đày – công cụ đàn áp kinh hoàng bậc nhất của thực dân muốn dành riêng cho phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ tĩnh từ miền Bắc nước ta lúc bấy giờ. Nhiều chiến sĩ cách mạng hồi cuối thập niên 20 lừng danh của Việt Nam đã lần lượt bị đưa vào hỏa ngục sau cùng đó trước khi… được bọn đàn áp gọi là “Miễn tố đen”!

Trong con số ít ỏi các chiến sĩ cách mạng còn sống sót tính đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tại hỏa ngục Buôn Ma Thuột ấy có đồng chí Nguyễn Thường Khanh 28 tuổi gốc người Thanh Hóa. Người tù mang tấm thẻ bài PPN[1] này thuộc diện tù chính trị nguy hiểm, bị nhốt trước đó hơn một năm tại Nhà tù Thanh Hóa. Được biết, trước khi vào tù, anh là sinh viên từng tham gia cách mạng trong phong trào Thanh niên dân chủ Đông Dương tại Hà Nội năm 1936. Chủ yếu hoạt động của anh lúc ấy nhằm chiến đấu trên mặt trận báo chí, văn học. Năm đúng 20 tuổi, Nguyễn Thường Khanh cùng bằng hữu của mình cho ra mắt bạn đọc tờ báo Bạn Dân (1937). Cùng năm, Khanh được mời cộng sự với báo Thời Thế. Với báo Tin Tức và báo Người Mới năm 1938, rồi đến với báo Bạn Đường năm 1939 và … đây chính là khoảng thời gian tên tuổi nghề nghiệp của Khanh lấp lánh trong vòm trời báo chí Hà Nội với tư thế người được tổ chức cử giữ phần phụ trách tòa báo dành riêng cho Thanh Niên – một trong vài tờ báo có uy tín nhất từ 1938 với cái tên mới là báo Thế Giới.

Nguyễn Thường Khanh, từ bẩm sinh đã có sẵn năng khiếu đặc biệt về báo chí, lại là tác giả viết giỏi về các thể loại. Ngoài nhiều thi phẩm nổi tiếng, Khanh còn có ít nhất là 2 truyện dài có giá trị văn chương cao (Ngơ NgácThằng Tuất). Cũng như Khanh đã chọn cho mình nhiều bút danh, nhưng độc giả của anh (kể cả độc giả nguyên là bạn cũ, lúc ấy đã du học ở các nước xa) lại chú ý nhiều ở anh qua bút danh Trần Mai Ninh.

Năm 1983, Viện Hàn lâm Quốc gia Pháp trao giải thưởng về Thơ cho thi phẩm mang tên Niềm lạc quan mùa thu cho tác giả của nó là người Bungari: Ghêoócghi Dgiagarốp. Nhân sự kiện này, một đài phát thanh nước bạn ở Châu Âu có vẻ như chưa hoàn toàn đồng ý về bài thơ vừa được trúng giải. Trong tinh thần đó, Đài này nêu một số tên các bài thơ có cấu trúc tương tự của các tác giả “vô danh” bốn phương để sau đó dừng lại đúng bài thơ Tắm nắng. Đồng thời, Đài này nhấn mạnh, tác phẩm Tắm nắng là của nhà thơ Việt Nam đã qua đời, viết năm 1941[2] tại nhà tù Thanh Hóa. Nếu nhà thơ trẻ Trần Mai Ninh này có đủ điều kiện nói chung, hẳn là giờ này nếu cần đem so sánh giữa các bài thơ cùng lọai, chúng ta có thể… không biết có nên chọn Niềm lạc quan mùa thu của Dgiagarốp để “chiêm ngưỡng” hay không!

Không rõ Dgiagarốp sáng tác bài thơ được giải ấy vào trường hợp và hoàn cảnh nào, riêng bài thơ Tắm nắng trích dẫn sau đây, Trần Mai Ninh viết lúc đang sống trong vòng lao lý hãi hùng…

Sáng nay nắng tưới lưng tường

Thếp vàng cửa ngục, đốt bừng hoa đăng

Xuân tù nghe nắng sầu thương

Ngả nghiêng giai điệu Nghê thường nào chăng (?)

Uống cho say ánh nắng vàng

Cho kinh động những nẻo đàng nắng tươi

Bứt lâu vải quấn trên người

Mau thành thân với cả trời nắng to…

“Hôn sinh” nức dậy ngập bờ

Cõi lòng – cơn lụt suối thơ một ngày

Hôm nay nóng mỏng xác đày

Xin thêm nắng nữa đốt ngày ưu tư!

Nắng vàng, nắng lửa, nắng thơ

Một ngày tắm nắng tôi mơ suốt đời

Nắng reo…nắng múa… nắng cười

Một ngày tắm nắng suốt đời còn yêu!

Tắm nắng chưa phải là tác phẩm người hâm mộ đánh giá cao nhất trong thơ của Trần Mai Ninh. Lúc bấy giờ Trần Mai Ninh có 2 bài thơ tiêu biểu nhất, viết trong khoảng thời gian sau khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp – tháng 3-1945, cũng là thời gian người mang thẻ bài đặc biệt này thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, 2 bài thơ ấy là Tình sông núiNhớ máu. Riêng bài Nhớ máu, Trần Mai Ninh viết tại thị xã Tuy Hòa tháng 11-1946. Sau đó 4 tháng, Nhớ máu xuất hiện trên báo Tiên Phong. Số phát hành đầu tiên này của Tiên Phong tại Hà Nội lại đúng vào thời điểm cuối cùng vinh quang nhất của cuộc đời người lính trẻ Trần Mai Ninh tại Nam Trung bộ[3].

Ơ… cái gió Tuy Hòa, cái gió chuyên cần và phóng túng…

Gió đi ngang, đi dọc, gió trẻ lại, lưng chừng …

Gió nghỉ, gió cười…

Gió reo lên… lồng lộn (trích đoạn Nhớ máu)

Dù ngẫu nhiên, nhưng đúng là vẫn có gặp gỡ khá lý thú giữa thơ của Ghêoócghi Dgiagarốp với thơ Trần Mai Ninh nếu những nét táo bạo như “gió xoáy” của Dgiagarốp sau đây cùng thổi với “Cái gió Tuy Hòa” …

… Gió, gió lại thổi ào ào dữ dội

Lướt thướt mưa và lầy lội khắp nơi

Và xào xạc, xác xơ cơn lá đổ

Và man man nỗi sợ tự bao giờ…

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Mê Thuột

Nếu nét “gặp gỡ” giữa hai nhà thơ lớn trên đây là ngẫu nhiên thì hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi nhắc lại ở đây tên tuổi của Trần tiên sinh – một nhà thơ của cách mạng – thành viên đặc biệt trong danh sách các nhà cách mạng Việt Nam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ, nhân dịp khu Di tích Lịch sử này đang chuẩn bị cho lễ khánh thành sau thời gian xây lắp lại nguyên trạng tại số 18, đường Tán Thuật – thị xã Buôn Ma Thuột – Tỉnh Đắc Lắc.


[1] PPN: Prisonnier – Politique – Nettement.

[2] Theo tác giả Xviriđôva – PNLX – Tháng 1 / 1979.

[3] Theo tác giả Trần Hữu Tá thì Trần Mai Ninh bị giặc bắt, tra tấn dã man, chúng khoét đôi mắt của ông và dẫn ông đi khắp thị xã Tuy Hòa. Sự kiện này xảy ra khoảng đầu năm 1947 trên đường vào công tác ở vùng hậu địch (tr.492, TĐVH – Q2).

Bài liên quan

Bài đăng mới