La Fontaine được coi là một nhà viết ngụ ngôn hàng đầu thế giới. Ba thế kỷ qua, tác phẩm của ông đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ và được xuất bản ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Còn ở Việt Nam? Lần đầu tiên, các bài thơ ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên (âm Hán Việt tên gọi của La Fontaine) được dịch in bằng quốc ngữ trong cuốn sách Hải lục cách ngôn do Đỗ Thận chủ trương, in tại nhà in của H. Schneider và bán tại hiệu Ích Ký, số nhà 58, phố Hàng Giấy, Hà Nội. Sách xuất bản cùng thời với phong trào Đông Kinh Nghĩa thục.
Và bài thơ ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên đầu tiên được công bố trên báo chí quốc ngữ là bài “Truyện con sói và con chiên con” đăng trên tờ Đại Nam Đăng cổ tùng báo số 821, ngày thứ năm (10-10-1907), tr. 458. Và người dịch chính là ông Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà tiên phong trong phong trào cách tân văn hóa dân tộc, cổ vũ cho phong trào truyền bá văn hóa phương Tây vào truyền bá quốc ngữ, đặc biệt trên địa hạt dịch thuật và báo chí.

Với bút danh Tân Nam Tử (thường ký tắt T.N.T) trên mục “Tập thơ, phú, ca, rao” của tờ Đăng cổ tùng báo mà ông làm chủ bút, ông đã đăng tiếp các bài “Truyện con ve và con kiến” (số 823, ngày 24-10-1907), “Truyện con nhái muốn to bằng con bò” (tr. 520); ngoài ra, còn hai bài khác là “Ếch cầu vua” (tr. 506) do ông Lê Văn Phúc dịch và “Con chim bồ cu và con kiến” (tr. 538) do ông Nguyễn Gia Huyền ở phủ Yên Bình dịch,… Về sau này rất nhiều bài ngụ ngôn của La Fontaine được Nguyễn Văn Vĩnh tuyển dịch, in thành sách được tái bản nhiều lần và ông vẫn được coi là người dịch hay hơn cả.
Kỷ niệm 300 năm ngày mất của La Fontaine (13-4-1695), xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh bài thơ ngụ ngôn “Truyện con ve và con kiến” mà dịch giả chú rõ dịch ở tập thơ Dĩ vật giáo nhân (lấy vật dạy người) của ông La Fontaine:
“Trên cây có một con ve
Hát hết mùa hè mùa lạnh kiết so
Bắc phong càng thổi càng lo
Ruồi sâu bọ hết ăn nhờ vào đâu
Âu là đành phận đem đầu
Chạy sang chị kiến kêu cầu lân bang
Nhờ bà hàng sóm lòng thương
Cho vay răm hạt thóc lương chợ thì
Khi nào hết lạnh sang hè
Lại xin lãi nộp lãi lờ phân minh
Nhược bà có bụng nghi tình
Xin thề giời phật trứng minh việc này
Kiến bà tính ghét mượn vay
Trong nghìn thói độc, thói này nhỏ nhen
Lắc đầu rồi lại nói trèn:
Lúc giời nắng ráo anh em làm gì?
Ve rằng tôi ngâm phú thi
Đêm ngày nhai nhải, cái gì cũng ngâm
Kiến bà chua tệ độc tâm
Đáp rằng xưa hát, nhẩy đầm nay coi!
T.N.T
(Những chữ viết sai chính tả, viết nghiêng, chúng tôi giữ nguyên)

Ngoài ra, ở Hà Nội, tại nhà người con trai của Nguyễn Văn Vĩnh còn lưu lại một kỷ vật rất độc đáo và vô giá. Đó là một đôi tràng kỷ. Mới trông bề ngoài thì chỉ thấy đó là hai chiếc ghế tràng kỷ đóng kiểu Tàu bằng gỗ gụ với sáu mặt khảm ốc trai xà cừ ở tựa lưng. Nhưng nét đặc sắc là trên 6 mặt tựa ấy lại khảm tích truyện Chó rừng và chó nhà – thơ ngụ ngôn của La Fontaine, với những dòng chữ cũng được khảm bằng quốc ngữ và mang theo chữ ký của ông Nguyễn Văn Vĩnh kèm dòng ghi rõ thời gian làm bộ ghế là tháng 12-1919 (Décembre 1919). Nét khảm rất tinh vi, ánh sắc của vỏ ốc trai rất rực rỡ và nhất là tích truyện của người Tây phương và dòng chữ quốc ngữ lại là thư bút của ông Vĩnh khiến cho đôi tràng kỷ này xứng đáng là một bảo vật, chứng tích của sự giao lưu văn hóa Đông – Tây nói chung, của nghệ thuật thi công khéo léo của người Việt Nam gắn với tên tuổi của một nhà hoạt động văn hóa đáng kính trọng: Nguyễn Văn Vĩnh.
Và đó cũng là chứng tích độc đáo về sự có mặt của La Fontaine ở Việt Nam.