Phố cổ Gò Công còn hay mất?

Lê Ái Siêm

Tạp chí Xưa&Nay, số 347+348, tháng 2 năm 2010

Một thành phố được hình thành từ giữa thế kỷ XIX và được định danh từ năm 1885 với tên gọi “làng Thành Phố”, đô thị Gò Công ở những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XIX đã có những con đường lát đá, chia thành phố thành nhiều ô vuông, có rất nhiều căn phố ngói, những nhà vườn mang phong cách Việt và phương Tây, những dinh thự sang trọng, thu hút giới quan lại và thương nhân về đây mua đất cất nhà, tạo ra một đô thị thịnh vượng.

Theo Gia Định báo năm thứ 11, số 15, năm Ất Dậu về “Nghị định sáp nhập các làng các cấp trong địa hạt”, do quan Tham biện Gò Công chứng, có hiệu lực từ ngày 31-3-1885, khoản thứ 11 quy định làng Thuận Tắc và làng Thuận Ngãi phải sáp làm một làng, lấy hiệu là làng Thành Phố, theo đó, ngày 31-3-2010, thị xã Gò Công (làng Thành Phố xưa) tròn 125 tuổi. Đây là làng duy nhất ở Nam bộ có tên gọi là “làng Thành Phố”.

Nhà Đốc Phủ Hải tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Năm 1802, dưới thời Gia Long, các dinh được đổi thành trấn, Nam kỳ có 5 trấn là Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và 1 thành là thành Gia Định thống lĩnh 5 trấn của Nam kỳ, thì vùng Gò Công thuộc tổng Hòa Bình, là 1 tổng thuộc trấn Định Tường. Năm 1832 (thời Minh Mạng) Gò Công tách khỏi Định Tường, nhập vào Gia Định và được gọi là huyện Tân Hòa. Năm 1852 (thời Tự Đức), huyện lỵ Tân Hòa đóng ở thôn Thuận Tắc (nay là thị xã Gò Công). Năm 1885, làng Thuận Tắc và làng Thuận Ngãi sáp làm một, thành làng Thành Phố. Tên làng đã nói lên đặc điểm của một làng khá đặc biệt này.

Grimald, tỉnh trưởng Gò Công trong cuốn Monographie de la province de Gocong – 1936, ghi lại cuộc sống vùng Gò Công vào thế kỷ XIX như sau: “Vùng đất Tân Hòa là loại đất đặc biệt tốt. Đất rất phì nhiêu cho năng suất dồi dào. Người ta thấy ở đây ruộng nhìn mút con mắt. Dân cư huyện này toàn nông dân. Mỗi gia đình thu hoạch rất nhiều lúa, và trong mỗi nhà  đều có bồ chuẩn bị sẵn để chứa lúa, người ta không nghe nói đến người nghèo; kết quả đem lại là dân chúng quen tiêu xài không cần phải tiết kiệm”.

Đây là vùng đất mà dòng họ Phạm Đăng (họ ngoại của các vua Nguyễn) chọn làm nơi cư trú từ thế kỷ XVIII, nơi sinh ra hoàng hậu Từ Dụ (con của Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng), trên giồng Sơn Quy, nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công.

Vào giữa thế kỷ XIX, chợ Gò Công đã trở nên sầm uất, nhiều quan chức, nhiều nhà giàu có thi nhau về làng Thuận Tắc mua đất cất nhà sinh sống, tạo cho vùng này có nhiều nhà vườn được xây dựng cầu kỳ, tốn kém và đẹp mắt. Trong cuộc khởi nghĩa Trương Định (1861 – 1864) bà Trần Thị Sanh, người vợ thứ của Trương Định là người giàu có ở chợ Gò Công, bà đã có công đóng góp to lớn vào việc mua sắm vũ khí, cung cấp lương thực cho nghĩa quân, tạo thanh thế cho Trương Định để ông thực hiện sự nghiệp cứu nước của mình. Bà Sanh giàu có đến nỗi trong dân gian có câu ca: “Gò Công bốn tổng đông giàu/ Mà riêng có một bà Hầu giàu to”. Tính chất đô thị ở làng Thuận Tắc đã sớm hình thành nhờ vào sự sầm uất của chợ Gò Công.

Năm 1862, làng Thuận Tắc trở thành tỉnh lỵ. Grimald mô tả: “Những công trình xây cất vững chắc được dựng lên… Tiếp theo đó, trung tâm này được ưu tiên mở đường giao thông sau khi một sở tàu xà-lúp được đấu thầu, sau đó nhiều đường lộ được mở… Chợ GòCông thành tụ điểm thương mại trên 4.000 dân nằm kiểu cưỡi ngựa trên một con sông cùng tên, trên bờ có bến và tàu thuyền có thể cặp bến được. Đường phố được tráng đá chạy đan thẳng góc nhau và có cây che mát”.

Bản tương phân của cải làm tại làng Thành Phố ngày 8-2-1894, do bà Dương Thị Hương đứng tên, chia đất đai, nhà cửa cho các con như sau: Cho Huỳnh Thị Nữ 1 tòa nhà ước giá 4.000 đồng, 29 căn phố ngói ước giá mỗi căn 30 đồng; cho Huỳnh Đình Hạo vật dụng ước giá 600 đồng, 15 căn phố ngói, mỗi căn ước giá 30 đồng; cho Huỳnh Đình Ngân một tòa nhà ước giá 4000 đồng, 15 căn phố ngói, mỗi căn ước giá 30 đồng; cho Huỳnh Thị Ngỡi vật dụng ước giá 600 đồng, 24 căn phố ngói, mỗi căn ước giá 30 đồng; cho Huỳnh Thị Điệu 1 tòa nhà ước giá 4.000 đồng. Ngoài ra, bà Hương còn chia 1.160 mẫu đất thuộc các làng khác cho các con. Như vậy, năm 1894 chỉ riêng tại làng Thành Phố bà Hương đã có 3 tòa nhà và 83 căn phố ngói. Trong đó, tòa nhà cho bà Huỳnh Thị Điệu hiện còn chính là nhà Đốc Phủ Hải, một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tiêu biểu cho nhà địa chủ còn lại ở Nam bộ, với nội thất được chạm cẩn tinh vi cùng rất nhiều cổ vật quý giá.

Đầu thế kỷ XX, tỉnh trưởng Grimald mô tả cảnh làng Thành Phố như sau: “Một thành phố của người bản xứ được xây cất hoàn toàn bằng gạch ngói hình thành riêng biệt, có chợ rộng rãi, một chợ cá và một hồ chứa nước uống. Công sở xinh đẹp của thành phố (đang xây cất) và ngôi đình làng nổi bật lên giữa một thành phố đông dân và thịnh vượng này”. Sự hưng thịnh của làng Thành Phố kéo theo sự tăng giá đất của làng đến chóng mặt. Grimald cho biết: “Sự phát triển đã đem lại kết quả là giá đất trong thành phố tăng lên nhiều. Tại trung tâm thành phố, giá dao động từ 800 đến 2.000 đồng/ha, trong khi năm 1879 nó chỉ dao động từ 30 đến 60 đồng”.

Một thành phố được hình thành từ giữa thế kỷ XIX và được định danh từ năm 1885 với tên gọi “làng Thành Phố”, đô thị Gò Công ở những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XIX đã có những con đường lát đá, chia thành phố thành nhiều ô vuông, có rất nhiều căn phố ngói, những nhà vườn mang phong cách Việt và phương Tây, những dinh thự sang trọng, thu hút giới quan lại và thương nhân về đây mua đất cất nhà, tạo ra một đô thị thịnh vượng.

Đợt chỉnh trang đô thị lớn nhất là vào 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX, với những dãy phố người Hoa, đình làng, công sở của chính quyền thuộc địa, các dãy phố người Việt phảng phất phong cách phương Tây mà người dân gọi là “kiến trúc thuộc địa”, những nhà vườn được xây dựng kiểu dinh thự của giới quan lại, các dãy phố mang phong cách Trung Hoa ở gần chợ Gò Công, ao Trường Đua, trường học, bệnh viện, chợ…, đặc biệt là các đường phố ngắn, vuông góc với nhau, nhà phố ngói phần lớn có cửa vòm, hoa văn đắp nổi, mái ngói âm dương, các cửa hàng đều có biển hiệu chữ Hán, chữ Việt hoặc chữ Tây, tạo cho làng Thành Phố có nét cổ kính, riêng biệt, chỉ có ở Gò Công.

Dấu ấn kiến trúc của đô thị cổ Gò Công là những dãy phố mái ngói, cửa vòm, những công sở người Hoa với kiến trúc Trung Hoa, những công sở người Pháp với kiến trúc phương Tây, những nhà vườn từ nhà chữ Đinh truyền thống được cải tạo phần mặt tiền để có dáng dấp kiến trúc phương Tây, những đường phố ngắn chỉ chừng vài chục thước, ngắn đến nỗi đường phố cách dường phố là chiều dài căn nhà 20 mét, những lăng mộ cổ mang đậm dấu ấn thời kỳ phong kiến. Những năm giữa thế kỷ XX, đô thị Gò Công được mệnh danh là đô thị cổ của Nam bộ.

Vào những năm cuối thế kỷ XX, thị xã Gò Công vẫn còn đậm nét của một đô thị cổ, với mái ngói rêu phong, đường phố nhỏ và ngắn, nhà phố cửa vòm, hoa văn phương Tây và Trung Hoa, những biển hiệu của nhà buôn, nhà thuốc từ thế kỷ XIX, tuy nhiên, vào những năm đầu thế kỷ XXI, “cơn lốc” xây dựng mới đã cuốn đi rất nhiều nhà phố cổ. Trước sự mất mát này, nhiều người Gò Công nuối tiếc cho một “làng Thành Phố” sầm uất từ thế kỷ XIX và nổi tiếng với tên gọi “phố cổ Gò Công”, đã viết trên các trang Web với những hoài niệm, những lo lắng một ngày phố cổ sẽ mất đi.

Năm 2009, thị xã Gò Công cho phép chúng tôi thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở về khảo sát phố cổ, đề xuất giải pháp bảo tồn phục vụ phát triển văn hóa và du lịch. Nếu như cuối thế kỷ XX việc làm này được tiến hành và thị xã có những giải pháp bảo tồn thì châu thổ sông Cửu Long có một phố cổ có thể sánh với một số phố cổ khác trên đất nước ta. Tiếc thay! Nhưng dù muộn còn hơn không. Phố cổ Gò Công chưa hoàn toàn mất hết. Trong 100 đơn vị kiến trúc cổ (nhà phố, nhà vườn trong phố, lăng mộ, đình, công sở Pháp, công sở Hoa, chợ,…) từ thập kỷ 80 của thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX mà chúng tôi khảo sát được, vẫn còn. Nếu không thực hiện các giải pháp bảo tồn thì chỉ vài năm nữa phố cổ Gò Công sẽ mất đi.

Vấn đề quan trọng hiện nay là nhận thức của lãnh đạo và công chúng thị xã Gò Công về việc bảo tồn đô thị cổ. Đây là một đô thị cổ tiêu biểu của châu thổ sông Cửu Long còn lại. Sự tồn tại hay mất một đô thị cổ do thế hệ chúng ta quyết định.

Qua khảo sát, bước đầu chúng tôi đưa ra một số giải pháp, đó là: Nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo tồn đô thị cổ thông qua các hình thức lễ hội, hội chợ, hội thảo, phim ảnh, tài liệu giới thiệu những giá trị di sản; Quy hoạch không gian phố cổ trong xây dựng và phát triển đô thị, tuân thủ những nguyên tắc bảo tồn, giải quyết những vấn đề về môi trường và văn hóa; Xã hội hóa hoạt động bảo tồn phố cổ, tạo ra phong trào cộng đồng dân cư bảo tồn phố cổ, huy động các nguồn lực cho việc tu bổ tôn tạo phố cổ; Có những chính sách khuyến khích xây dựng phù hợp với kiến trúc và không gian phố cổ; Quảng bá phố cổ nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch.

Hy vọng với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công, phố cổ Gò Công không mất đi, và với một chiến lược quảng bá, các châu lục trên thế giới sẽ biết đến một “phố cổ Gò Công” ở phương Nam ngoài “phố cổ Hội An”.

Bài liên quan

Bài đăng mới