Tuy đã trải qua nhiều đợt khai quật và nghiên cứu nhưng di tích khảo cổ Cát Tiên vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã. Đó là những thông điệp mà chủ nhân khu thánh địa để lại trên những lá vàng qua các ký tự và hình tượng thần linh, linh vật,… trong đó có rắn thần Nagar.

ở di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng cung cấp.

Nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: Đinh Chung
1. Nagar trong huyền tích của Hindu giáo và Phật giáo
Nagar là một linh vật á thần có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, là vị thần rắn thường xuất hiện với hình ảnh rắn hổ mang bành, chúa tể của các loài rắn. Theo quan niệm của người Ấn Độ thì Nagar chính là linh hồn của thiên nhiên, vị thần bảo hộ cho nguồn nước và các con suối, dòng sông.
Nagar trong truyền thuyết đạo Hindu là con của Kadru và vị ẩn sĩ Kasyapa. Bà Kadru đã sinh hạ 1.000 quả trứng, nở ra 1.000 con rắn tạo nên cộng đồng dân cư cho cõi Patala dưới lòng đất và dưới nước. Đó là một cảnh giới rất tráng lệ gọi là Nagar đặt dưới sự cai quản của các Nagar chúa. Hình ảnh Nagar cũng được xuất hiện nhiều trong Phật thoại (những câu chuyện truyền thuyết trong Phật giáo). Ở đây, Nagar có vai trò là vị thần hộ pháp canh giữ, bảo vệ tam bảo cho nhà Phật. Trong một câu chuyện kể về thời gian “7 ngày tu khổ hạnh của Đức Phật”, Ngài ngồi trụ thiền dưới gốc cây bồ đề. Bỗng chốc giông tố nổi lên, nước dâng cao ngập cả nơi Đức Phật đang ngồi thiền định. Giữa lúc đó có một vị vua rắn Nagar xuất hiện tự nguyện lấy thân mình cuộn thành bảy vòng làm bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước. Đồng thời vươn cao bảy đầu bành to tạo thành một vòm lớn như chiếc tán che cho Đức Phật. Hình tượng rắn thần Nagar mang ý nghĩa: Đức Phật có năng lực vô biên, cảm hóa được muôn loài, ngay cả như thần rắn cũng phát nguyện theo hầu, phục tùng bảo vệ cho nhà Phật.
Các huyền tích về rắn thần Nagar thường được thể hiện trong các motip trang trí trên các kiến trúc Phật giáo với vai trò bảo vệ cho tòa chánh điện thờ Phật, xua đuổi tà ma. Nó thường được thể hiện nhiều trên diềm mái, đầu đao, cổng chùa, tháp. Phổ biến nhất là phái Nam Tông ở các quốc gia như Thái Lan, Campuchia, chùa Khmer ở vùng Nam bộ của Việt Nam. Ngoài ra còn thấy rắn Nagar được mô tả cuộn làm bệ cho Đức Phật ngồi thiền định ở một số tranh, tượng, phù điêu trong các chùa, tháp.
2. Rắn thần Nagar xuất hiện trong lòng đền tháp ở khu Thánh địa Cát Tiên huyền bí
Trong quá trình khai quật tại các đền tháp và mộ tháp thuộc quần thể di tích Cát tiên, hay còn gọi là Thánh địa Cát Tiên thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện được rất nhiều hiện vật đủ các chủng loại và chất liệu khác nhau. Đặc biệt có khá nhiều viên đá quý, những mảnh kim loại vàng trên đó được khắc miết hoặc dập nổi các nam thần, nữ thần, các ký tự, văn tự viết bằng chữ Phạn (chữ Ắn Độ cổ), các vật linh,… chôn sâu dưới đáy các trụ giới hay còn gọi là “kho thiêng” trong lòng tháp. Trong số hàng trăm mảnh vàng được phát hiện tại di tích Cát Tiên chỉ duy nhất có một lá vàng thể hiện hình tượng rắn Nagar 7 đầu. Hiện vật thể hiện chủ đề này cũng chỉ phát hiện duy nhất tại phế tích kiến trúc tháp ở Gò III. Một kiến trúc tháp khá đặc biệt không giống bất kỳ một đền tháp nào trong khu Thánh địa.
3. Kiến trúc Gò III – nơi phát hiện hiện vật vàng khắc tạc hình “Vòm rắn thần Nagar” 7 đầu
Gò III nằm cách sông Đồng Nai 25m về phía bắc, gò cao 3,6m so với mặt đất canh tác. Gò III nằm cạnh cụm di tích Gò II (bao gồm các gò: Gò II A, Gò II B, Gò II C và Gò II D). Gò III được phát hiện năm 1985 và khai quật từ năm 2001. Hố khai quật được thực hiện trên 2/3 diện tích mặt gò về phía bắc. Kết quả khai quật đã làm xuất lộ hơn 2/3 kiến trúc gạch, đá có bình đồ vuông. Theo nhận định của các nhà khảo cổ là TS Đào Linh Côn và TS Bùi Chí Hoàng – người trực tiếp khai quật thì đây là “một kiến trúc tháp thờ có cửa chính quay về hướng Đông, cửa giả ở các hướng Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc này là một loại tháp có bình đồ bẻ góc nhiều lần, giật cấp có cạnh bo dần vào phía trong tương tự các Candi, Borobodur ở Indonesia. Nhưng loại kiến trúc có tường bo hình chuông này chưa từng gặp trong các di tích kiến trúc cổ ở vùng Đông Nam Á”. Khi khai quật đào xuống lòng tháp ở độ sâu gần 4,8m thì xuất lộ một ô vuông xếp bằng gạch tạo thành hình chữ thập, bên trong có chôn theo nhiều hiện vật kim loại màu vàng và đá quý. Trong số những mảnh kim loại màu vàng được tìm thấy có 8 lá vàng chạm các linh vật: Voi, rùa chôn chấn ở 4 cạnh và 4 góc; trong đó đặc biệt có một lá vàng thể hiện hình “vòm rắn Nagar” với 7 cái đầu được khắc cách điệu nhưng rất rõ nét đầy đủ từ mắt, miệng, có 2 ngấn ở cổ và vây ở bụng. Lá vàng này có kích thước 7,3cm x 7,2cm được uốn khum hình lòng chảo, trong đó chứa đầy tro. Điều này đã cho phép người ta suy luận rằng phế tích gò III thuộc loại hình tháp mộ và có liên quan tới Phật giáo(?). Niện đại của kiến trúc Gò III bước đầu được các nhà khoa học đoán định vào khoảng thế kỷ VII.
Từ việc phát hiện mảnh vàng thể hiện hình “vòm rắn thần Nagar” trong một kiến trúc đặc biệt có tường bo góc hình chuông duy nhất ở khu di tích khảo cổ học Cát Tiên và ở Đông Nam Á, cùng với đó là cách thức chôn giấu có chủ ý với những mảnh vàng có chạm khắc ký tự, văn tự bằng chữ Phạn cổ (Ấn Độ cổ), các linh vật liên quan đến Ấn giáo, Phật giáo,… Đây cũng là một trong những vấn đề lịch sử liên quan đến nền văn minh cổ xưa đã từng tồn tại và biến mất một cách bí ẩn như chủ nhân của khu thánh địa. Hiện nay, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, khám phá và giải mã các “thông điệp” từ các phát hiện kỳ thú bị chôn vùi, lãng quên trong lòng đất trên cả ngàn năm. Di tích khảo cổ Cát Tiên hay còn gọi là Thánh địa Cát Tiên đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 31 tháng12 năm 2014 theo quyết định số 2408/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay, di tích đang tiếp tục được nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đồng thời đầu tư tôn tạo cho di tích một cách xứng tầm là điểm đến du lịch văn hóa ấn tượng với du khách trong và ngoài nước khi tới Đà Lạt, Lâm Đồng. Đến với vùng đất nam Tây Nguyên, nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và ẩn chứa nhiều giá trị di sản văn hóa dân tộc độc đáo.